Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn khi dự thảo nghị quyết có phạm vi rất rộng, liên quan đến tiền, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các lĩnh vực liên quan ngân hàng.
Nếu làm không chặt chẽ, ông Nghĩa lo ngại sẽ xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan, gồm bị hại, bị can, bị cáo và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nghĩa, liên quan đến vật chứng, Bộ Luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ ai xử lý, xử lý thế nào, vật chứng gồm những gì… Nếu dự thảo nghị quyết, quy định điều nào trái với Bộ Luật Tố tụng hình sự thì phải nêu rõ để đại biểu Quốc hội quyết định.
Đề cập nguyên tắc suy đoán vô tội, vị đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nghị quyết đề xuất áp dụng từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác nhưng nguyên tắc chung là khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án, người đó vẫn được đối xử như vô tội. Tự nhiên có một đơn gửi đến cơ quan điều tra tố giác mà đã xử lý tài sản có thể chưa thực sự phù hợp.
“Tin báo tố giác thì vô cùng, ghét nhau cũng tố giác, cạnh tranh nhau cũng tố giác, hiểu lầm cũng tố giác, có những vụ án oan sai do xử lý tố giác, nhiều năm sau phải xin lỗi, lúc đó tài sản đã tiêu tán hết. Vì vậy, nghị quyết cần phân định rõ các biện pháp xử lý tài sản phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội và phù hợp với quyền định đoạt tài sản ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự,” ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết chưa "yên tâm" quy định về tài sản bất động sản, tiền, vật chất, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các lĩnh vực liên quan đến ngân hàng.
“Sợ rằng nếu chúng ta làm không chặt chẽ sẽ gây ra vi phạm. Ý thì tốt nhưng cuối cùng lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan, cả bị hại, bị can, bị cáo cũng có thể bị ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp,” ông Nghĩa bày tỏ.
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Văn Thăng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội thì có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định của Hiến pháp. Do đó, việc xử lý tài sản, vật chứng trong giai đoạn tiền tố tụng cần thận trọng, bởi lúc này chưa thể biết có hay không khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Dẫn Bộ luật Tố tụng Hình sự, ông Thăng nói, giai đoạn giải quyết nguồn tin của tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn xử lý vật chứng, tài sản. Còn Nghị quyết này quy định nội dung mới chưa được pháp luật hiện hành quy định, nên cần hạn chế tối đa việc phát sinh tranh chấp, lợi dụng, lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.
Ông Thăng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định nội dung bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là các quy định đảm bảo thận trọng, chặt chẽ, tránh hành vi tùy tiện.
Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, đại biểu Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng đây là Nghị quyết thí điểm, có cơ sở chính trị, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt nhằm giải quyết các vấn đề bất cập trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua.
“Tài sản là vật chứng, tài sản thu giữ để đảm bảo cho thi hành án, đặc biệt giải quyết các hậu quả cho người bị hại. Do đó, tôi thấy rằng, Nghị quyết này rất nhân văn, nhất là khi chúng ta chưa có cơ sở để xử lý những vướng mắc, bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự thì đây là Nghị quyết để chúng ta xử lý kịp thời,” đại biểu nêu rõ
Đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An cho rằng, Quốc hội ban hành Nghị quyết liên quan đến nhiều nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan để tránh chồng chéo, vướng mắc. Trong trường hợp có chồng chéo, vướng mắc thì nên theo Nghị quyết này trong vấn đề xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự.
Đồng tình với cơ quan thẩm tra, đại biểu Trần Đức Thuận nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này. Đồng tình với phạm vi thí điểm chỉ tập trung vào những vấn đề nổi cộm, vào các tội phạm kinh tế, tham nhũng, tuy nhiên về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị nên quy định rõ, rạch ròi hơn vấn đề xử lý vật chứng như thế nào, tài sản là vật chứng thì xử lý như thế nào và tài sản kê biên như thế nào để dễ dàng thực hiện hơn.
Riêng đối với việc xử lý vật chứng là tài sản (tiền), đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, những tài sản có ý nghĩa lưu thông trong phát triển kinh tế - xã hội thì quan điểm là không để lãng phí, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có tiêu chí rõ hơn để tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện./.