Quy định số 144-QĐ/TW: Tinh thần phụng sự, cống hiến vì lợi ích chung

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang, Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 9/5/2024 khẳng định Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã được quán triệt, triển khai và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên ở tỉnh Tuyên Quang. Qua đó khẳng định Đảng ta rất coi trọng và quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh hiện đang tập trung đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Xuất phát từ lợi ích chung

Theo bà Nông Thị Bích Huệ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang, Quy định 144 khẳng định Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức.

Quy định được xây dựng trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa các quy định trước đây của Đảng như Nghị quyết Trung ương khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa..."

Trước những thách thức, yêu cầu của tình hình và điều kiện phát triển mới của đất nước, Đảng ta ngày càng chú trọng bảo đảm và phát huy sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính chất toàn diện, nâng cao, đầy đủ, cụ thể, rõ ràng hơn so với các quy định của Đảng trước đây.

ba nong thi bich hue.jpg
Bà Nông Thị Bích Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Chuẩn mực đạo đức cách mạng là những nguyên tắc, quy tắc mang tính mực thước, khuôn mẫu đánh giá, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên gắn với mục tiêu, lý tưởng cộng sản, mang nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức cách mạng là gốc, nền tảng. Chỉ khi cán bộ, đảng viên nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực đạo đức cách mạng, tự giác tu dưỡng, học tập, phấn đấu, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày mới tạo nên sự thống nhất cao, sức mạnh lớn của toàn Đảng, đẩy lùi những nhận thức sai trái, không đúng đắn, lệch chuẩn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng. Qua đó giúp đảng viên có ý chí, nhận thức và hành vi đạo đức cách mạng đúng đắn, trong sáng, tinh thần phụng sự, cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang sẽ tập trung tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn cụ thể thực hiện Quy định 144.

Điều quan trọng, cốt lõi là mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần sâu sắc Quy định, thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng một cách tự giác, thường xuyên; làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Quy định 144, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt phương châm “gần dân, trọng dân, lắng nghe nhân dân,” lời nói phải đi đôi với việc làm. Mọi việc phải xuất phát từ lợi ích chung, đảm bảo đúng quy định, trên tinh thần công tâm, khách quan. Việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho tổ chức, cơ quan, đơn vị thì nhất quyết làm, việc gì có hại thì hết sức tránh.

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo tài đức

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cho biết thực tiễn công tác xây dựng Đảng thời gian qua cho thấy còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật.

Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra đó là đảng viên thiếu tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Việc ban hành Quy định 144 có ý nghĩa rất quan trọng giúp tổ chức đảng, đảng viên biết được các tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng, từ đó có mục tiêu phấn đấu, học tập, giữ gìn, "tự soi, tự sửa."

Đồng thời, các chuẩn mực đạo đức cách mạng là căn cứ để xây dựng, lựa chọn, xem xét, đánh giá, sàng lọc, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

ba do thi thu huong.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Đặc biệt, Quy định được ban hành ở thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo vừa có đức vừa có tài.

Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Quy định 144 có 6 điều; trong đó có 5 điều với 19 tiêu chí cụ thể quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Các chuẩn mực đã bao hàm toàn diện các nội dung một người cán bộ, đảng viên phải thực hiện với nhân dân, với Đảng và Tổ quốc cho đến các yêu cầu mang tính cụ thể mà người cán bộ, đảng viên phải thực hiện với chính mình…

Vận dụng những quy định chuẩn mực đạo đức theo Quy định 144, thời gian tới, Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang sẽ triển khai Quy định 144 đến toàn đảng bộ để cán bộ, đảng viên nghiên cứu và hiểu sâu sắc các nội dung trong Quy định, góp phần tạo tiền đề cho sự vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Ngoài ra, trường chỉ đạo các khoa, phòng yêu cầu giảng viên nghiên cứu vận dụng nội dung Quy định 144 vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế.

Chỉ đạo các chi bộ đưa nội dung Quy định 144 vào các buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề. Ngoài ra, căn cứ nội dung Quy định 144 để nhà trường sửa đổi, bổ sung một số quy chế, quy định về công tác cán bộ, các đề án về xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường và làm tiêu chuẩn để thực hiện các khâu trong công tác cán bộ như: đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái, thi đua-khen thưởng, làm công tác nhân sự Đại hội chi bộ, đảng bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục