Quy hoạch 9 dự án phát triển thủy lợi tại khu vực ĐBSCL

Quy hoạch 9 dự án phát triển thủy lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam hiện đã hoàn tất việc quy hoạch chín dự án phát triển thủy lợi thích nghi với biến đổi khí hậu tại bảy tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch 9 dự án phát triển thủy lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Nâng cấp đê biển Gò Công tại Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam hiện đã hoàn tất việc quy hoạch chín dự án phát triển thủy lợi thích nghi với biến đổi khí hậu tại bảy tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Diện tích vùng thủy lợi tại bày tỉnh nói trên rộng 24.631km2, chiếm khoảng 60% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có trên 9 triệu dân tại đây (chiếm 50% dân số trong vùng) sẽ được hưởng lợi.

Trong quá trình thực hiện các dự án trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên xây dựng các cửa ngăn mặn vùng ven biển, cải tạo và xây dựng đê biển; cải tạo vùng cù lao phía Bắc tỉnh Bến Tre; phát triển nguồn nước ngọt tỉnh Trà Vinh; quản lý nước vùng ven biển Bạc Liêu; luân chuyển dòng chảy tỉnh Cà Mau; điều chỉnh và cải tạo lịch thời vụ, phát triển năng lực quản lý dòng chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển mô hình nuôi tôm bền vững là luân canh lúa-tôm trong vùng.

Ngoài chín dự án trên, còn có hàng chục chương trình, dự án khác giúp phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống người dân các tỉnh trong khu vực. Trong đó, quan trọng nhất là dự án mở rộng và phát triển các giống cây chịu mặn, thiết lập hệ thống cảnh báo mặn sớm, phát triển các nguồn nước sinh hoạt, sử dụng hợp lý nguồn nước mưa, trồng cây ăn quả và cây chịu chua phèn, cải tạo và trồng rừng ngập mặn, nâng cấp và xây dựng đê sông, đê bao, cải tạo hệ thống tiêu nước, nâng cấp hệ thống cảnh báo lũ sớm, gia cố cấu trúc đất, đa dạng hoá mùa vụ, cải thiện môi trường nước nông thôn, cải tạo công trình nông thôn quy mô nhỏ, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp nhỏ, bảo hiểm mùa vụ.

Các dự án thủy lợi được quy hoạch là một phần trong chương trình phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt nhằm g óp phần đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (đến năm 2050), trong đó có 20 triệu dân vùng ngập lũ và 12 triệu dân vùng ven biển.

Mục tiêu cụ thể là chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho khoảng 1,8 triệu ha đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long; chủ động nguồn nước, đảm bảo lịch thời vụ và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 0,7 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt trong vùng. Qua đó, góp phần phục vụ phát triển nông thôn mới, nâng cao mức sống của người dân.

Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.

Cứ sau 10 năm, nhiệt độ sẽ tăng 0,2-0,3 độ C, cộng với nước biển dâng cao thêm từ 8-9cm làm giảm năng suất lúa Đông Xuân 10% (năm 2030) đến 15% (năm 2050).

Cứ 10 năm, lượng mưa tăng thêm 0,4-0,6% làm giảm năng suất các vụ cây trồng trong mùa này và sẽ trầm trọng thêm khi kết hợp với yếu tố nước biển dâng. Dưới tác động của xâm nhập mặn, cây ăn trái và lúa chịu thiệt hại nhiều nhất. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang bị thiệt hại nặng nhất về cây lúa.

Thiệt hại về cây ăn trái lớn nhất tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau. Loại cây trồng chịu thiệt hại lớn nhất do ngập lũ là hoa màu, lúa, cây ăn trái và tôm nuôi.

Tổng hợp thiệt hại do xâm nhập mặn trong mùa khô và ngập lũ trong mùa mưa thì tỷ lệ thiệt hại vào năm 2050 (so với sản lượng hàng năm) đối với lúa, rau màu, trái cây, tôm nuôi tăng lên từ 20-50%, trong đó, Kiên Giang, Tiền Giang thiệt hại nặng nhất.

Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện toàn vùng có năm hồ chứa, 1.221 trạm bơm vừa đến lớn và hàng ngàn trạm bơm nhỏ, 11.138 km kênh trục và cấp 1, 27.452km kênh cấp 2, 41.600km kênh cấp 3, 25.900km bờ bao chống lũ, 460km đê biển, 1.600km đê sông, trên 200km đê bao giữ nước chống cháy.

Các công trình vừa kể trên được xây dựng từ năm 2000-2012 đã góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu cho phần lớn đất nông nghiệp trong vùng và bảo đảm an toàn cho một bộ phận dân cư.

Nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các công trình trên cần được hoàn thiện thêm song song với xây dựng thêm các công trình mới có khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Xuất phát từ yêu cầu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quy hoạch từ nay đến năm 2050 sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cấp các cụm, tuyến dân cư, bảo vệ các đô thị trong vùng ngập lũ, trước hết là tại thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long hiện đang bị ngập năng trong mùa mưa, mùa lũ, triều cường.

Cùng với đó, củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông đồng thời thực hiện nhiều giải pháp hạn chế lũ tràn từ biên giới Tây Nam vào khu vưc bằng cách cho thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ Giác Long Xuyên), sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười). Tận dụng khả năng trữ lũ, làm chậm lũ bằng hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ; nâng cấp, xây dựng mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho toàn vùng; thực hiện các giải pháp phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, ưu tiên hoàn thiện các công trình bảo đảm cấp thoát nước, kiểm soát mặn xâm nhập, trữ nước ngọt. Trong đó, xây dựng hệ thống thủy lợi vừa có thể lấy nước ngọt trồng lúa vừa có thể lấy nước mặn để nuôi tôm (ở vùng tiếp giáp mặn ngọt).

Xây dựng hệ thống thủy lợi vùng nước lợ bảo đảm lấy đủ nước mặn phục vụ nuôi thủy sản trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước, tiêu úng trong mùa mưa.

Đối với hệ thống thủy lợi ở vùng nước mặn sẽ xây dựng thêm đê biển, đê cửa sông, công trình dưới đê nhằm bảo đảm an toàn cho vùng nuôi ven biển, tránh thiệt hại do triệu cường, sóng biển, bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục