"Nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là tạo lập hình ảnh khu bến cảng hiện đại, tổ chức không gian phù hợp với điều kiện hiện trạng, hài hòa với cảnh quan rừng đèo Hải Vân; kết nối đồng bộ với các khu vực lân cận xung quanh.
Bố cục không gian được tổ chức theo hướng mở, điểm nhấn là các công trình kiến trúc khu văn phòng, nhà điều hành... kết hợp các thiết bị khai thác bốc xếp hàng hóa kích thước lớn, công nghệ hiện đại."
Đây là nội dung trong Quyết định số 1059/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu tỷ lệ 1:500 (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
[Đà Nẵng: Tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế]
Cụ thể, diện tích toàn khu cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết là 469,55ha; trong đó bến cảng có diện tích 450ha, tuyến đường nối từ cảng đến tuyến đường tránh Nam Hải Vân là 19,55ha (riêng tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu từ đường vào cảng đến tuyến đường tránh nam Hải Vân dài 2,95km, quy mô 6 làn xe), quy mô dân số (người lao động) tối đa 3.000 người.
Cảng Liên Chiểu được quy hoạch gồm 8 bến container với tổng chiều dài 2.750m, tiếp nhận được tàu đến 8.000 TEUS (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 TEUS (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn.
Khu bến tổng hợp được quy hoạch để tiếp nhận được tàu đến 100.000DWT (phía ngoài) và các tàu cỡ nhỏ hơn ở phía trong (khoảng 30.000DWT). Tổng số lượng bến/chiều dài bến là 6 bến/1.550m.
Khu bến thủy nội địa được quy hoạch cho các tàu, sà lan có tải trọng đến 5.000DWT phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước. Tổng chiều dài khu bến thủy nội địa là 1.200m.
Khu bến hàng lỏng/khí được quy hoạch cho cỡ tàu đến 30.000 DWT; trong đó có bố trí khu vực để di dời các bến hàng lỏng hiện hữu.
Quy mô gồm 6 bến, bố trí tại khu vực đê chắn sóng và kết nối với đê chắn sóng bằng cầu dẫn. Các công trình hàng lỏng/khí được bố trí đủ khoảng cách an toàn đến các công trình khác trong quy hoạch và lân cận.
Khu kho bãi đường sắt được quy hoạch bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng lưới đường sắt quốc gia; vị trí quy hoạch ở phía sau khu bến container.
Đê kè chắn sóng có tổng chiều dài 2.090m, bảo đảm che chắn sóng theo hướng Đông Bắc và Đông Đông Bắc.
Ngoài ra, cảng Liên Chiểu còn có các khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối, kho bãi, khu hành chính, vành đai cây xanh, hệ thống giao thông dùng chung, kết nối các khu chức năng…
Tại Diễn đàn Đầu tư thành phố Đà Nẵng cuối tháng 6/2022 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng-Hồ Kỳ Minh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia dự án trọng điểm là cảng Liên Chiểu.
Dự án này gồm 2 hợp phần: hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công trong năm 2022 với các hạng mục gồm đê, kè chắn sóng; luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT; giao thông đường bộ kết nối đến cảng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.
Còn Hợp phần B (giai đoạn khởi động) có tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.
Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng là đơn vị được giao quản lý dự án./.