Quy hoạch Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn 2045: Hướng đến thành phố bền vững

Đề án quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố bền vững với những bản sắc riêng: dễ tiếp cận, đáng nhớ và đáng sống.
Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đáp ứng kỳ vọng của người dân, xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống, đáng mơ ước, đó cũng là mong muốn được các các chuyên gia trong nước và quốc tế thể hiện đầy tâm huyết tại Hội thảo phản biện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm Chính quyền đô thị

Sáng 16/11, Ban Thường vụ Thành ủy dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã họp thảo luận và cho ý kiến về nội dung dự thảo đề cương Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tại cuộc họp này, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thảo luận và xác định những định hướng mục tiêu quy hoạch thành phố trên tinh thần quyết tâm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.

Căn cứ nội dung Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo thành phố đã làm việc với các bộ, ngànhTrung ương để cùng xây dựng các nội dung chính sách phát triển thành phố, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, dự thảo Nghị quyết này bảo đảm tuân thủ Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, thẩm quyền thông qua quy hoạch cục bộ trên cơ sở mục tiêu quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù như huy động nguồn lực đầu tư, quản lý tài chính-ngân sách, chính sách tiền lương cán bộ công nhân viên chức.

Đặc biệt,trong dự thảo Nghị quyết thành phố cũng đề xuất Quốc hội thông qua cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị với 2 phương án.

Phương án 1 là mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện phường). Phương án 2 là mô hình 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện) và 1 cấp hành chính (phường).

Cơ sở để đề xuất vấn đề này chính là từ thực tiễn  giai đoạn năm 2008-2015, thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/NQQH12  với hiệu quả rõ rệt: bộ máy chính quyền được thu gọn, quá trình vận hành thông suốt, chất lượng, hiệu quả công việc có sự chuyển biến tích cực.

Thành phố đề nghị trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội lần này, khi xem xét đề xuất chính quyền đô thị tại Hà Nội thì cũng đồng thời cho phép việc thực hiện thí điểm tương tự tại một số địa phương trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trao Quyết định thành lập và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Sau khi xem xét nhiều nội dung dự thảo, nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (đang diễn ra) để bổ sung Nghị quyết về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 (kỳ họp thứ 9 của Quốc hội).

Đối với Quy hoạch chung phát triển Kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Ban Thường vụ đã thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quy mô dân số, hạ tầng, quy mô đầu tư, huy động nguồn lực.

Ban Thường vụ Thành ủy cho rằng Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã được xây dựng với tầm nhìn và kỳ vọng lớn của Bộ Chính trị đối với thành phố Đà Nẵng, một số chỉ tiêu trong Nghị quyết 43 có thể quá cao nếu so với mức tương trưởng hiện tại (như tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 12%/năm) nhưng lãnh đạo thành phố cần có sự nỗ lực, kiên trì đề ra các chính sách để đạt được các chỉ tiêu đó với những kịch bản tăng trưởng tích cực.

Về hạ tầng phát triển cũng kiên trì bám sát các định hướng trong Nghị quyết 43, huy động các nguồn lực đầu tư theo các trụ cột đã được xác định: Du lịch, Công nghiệp công nghệ cao, Logistic, Kinh tế biển.

Hướng đến xây dựng thành phố bền vững

Tại hội thảo tại Hội thảo phản biện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 10/11, đại diện Công ty tư vấn Surbana Jurong đã báo cáo Nội dung Điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng đến năm 20130, tầm nhìn đến năm 2045. Theo báo cáo, đề án quy hoạch hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố bền vững với những bản sắc riêng: dễ tiếp cận, đáng nhớ và đáng sống.

Về mức tăng trưởng GRDP, theo công ty tư vấn Surbana Jurong, giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% theo kịch bản tăng trưởng kinh tế tích cực. Công ty tư vấn Surbana Jurong đưa ra mức tăng trưởng dân số 2,2%. Theo đó, đến năm 2030, dân số Đà Nẵng sẽ đạt 1.460.000 người, năm 2045 sẽ đạt 1.700.000 người.

Đại diện Công ty tư vấn Surbana Jurong đã báo cáo Nội dung Điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng đến năm 20130, tầm nhìn đến năm 2045.

[Đà Nẵng: Quy hoạch cảng biển phải gắn với quy hoạch chung thành phố]

Về liên kết, đề án hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm phong cách sống quốc tế, kết nối với Myanmar, Thái Lan, Lào.

Đồng thời, trong nước, Đà Nẵng sẽ liên kết với các tỉnh lân cận để tạo phát triển chung cho cả vùng. Phía nhà tư vấn nhận định, Quảng Nam, Quảng Ngãi là một phần quan trọng trong sự phát triển của Đà Nẵng. Các tỉnh này sẽ đóng vai trò hỗ trợ để Đà Nẵng phát triển thành trung tâm giáo dục, phát triển các dịch vụ.

Về cấu trúc đô thị, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển 04 lĩnh vực: du lịch biển, công nghệ cao, logistics và kinh tế biển. Theo nhà tư vấn, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Đà Nẵng sẽ kết hợp với Quảng Nam, Quảng Ngãi để phát triển kinh tế biển lớn mạnh.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần phải có nguồn nhân công chất lượng cao, thực hiện thu hút nhân tài để nâng cao chất lượng nguồn lao động cho thành phố để phát triển cấu trúc đô thị.

Đối với quỹ đất, Đà Nẵng cần phải xây dựng quỹ đất riêng cho từng ngành. Hiện nay, Đà Nẵng còn 14% quỹ đất nông nghiệp còn trống thì sẽ tận dụng nguồn đất đó, kết hợp với nền đất đô thị hiện tại để xây dựng hạ tầng cho thành phố.

Về vấn đề cảng biển, công ty tư vấn Surbana Jurong đưa 2 đề xuất: xây dựng thêm Cảng Liên Chiểu để phát triển logistics và du lịch; mở rộng Cảng Tiên Sa, phục vụ vận tải hàng hóa và du lịch.

Trong đề án, nhà tư vấn cũng đề cập đến vấn đề nguồn nước. Theo đó, nhà tư vấn cảnh báo Đà Nẵng phải bảo vệ nguồn nước tốt cho thế hệ tương lai, thực hiện lưu trữ nguồn nước trong cả mùa mưa và mùa khô.

Một số giải pháp được đưa ra như dẫn nước ở khu vực đồi núi vào hồ chứa; xây dựng hồ chứa nước trong thành phố; dành ra 10% quỹ đất để lưu trữ nước; xây đập giải quyết tình trạng xâm nhập mặn; xử lý tốt nguồn nước từ Quảng Nam ra Đà Nẵng.

Đà Nẵng là một đô thị sinh thái

Theo chuyên gia Maysho Prashad đến từ đơn vị Callison RTKM (Mỹ), đề án quy hoạch cần hướng đế phục vụ đa dạng dân số, trong đó những cơ sở  kinh tế nhỏ lẻ vẫn rất nên được quan tâm, ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp, các khu chợ nhỏ, khu chợ truyền thống được chú ý, tạo điều kiện phát triển. Việc phát triển các hoạt động kinh tế nhỏ lẻ sẽ tạo ra sự thay đổi về du lịch của thành phố.

Ông Maysho Prashad đề xuất về một khu vực trung tâm cân bằng về năng lượng và sinh thái, thân thiện môi trường, không có xe cộ, chỉ có những hoạt động kinh tế mang bản sắc địa phương.

Cụ thể là khu vực hai bên bờ sông Hàn nên  được chú trọng phát triển để tạo đặc trưng riêng cho thành phố. Đồng thời nên thiết kế lại hệ thống giao thông để giải quyết hiệu quả hơn việc lại của người dân và tổ chức các tuyến vận tải công cộng.

Ông Maysho Prashad nêu lên gợi ý so sánh chuẩn với các thành phố trong khu vực châu Á, quy hoạch phải thỏa mãn nhu cầu của người dân Đà Nẵng. Về cơ sở hạ tầng, ông Maysho Prashad khuyến cáo nên xem xét kỹ lưỡng việc xây nhà cao tầng ở đồi núi bởi vấn đề này sẽ tác động không nhỏ đến môi trường.

Đối với cảng biển, ông Maysho Prashad nhận định nên tiếp tục tìm hiểu, mở rộng cảng Tiên Sa theo hướng xây dựng đường sắt và đường bộ song song trên cao để phục vụ cảng biển. Theo ông, không nhất thiết phải xây cảng thành phần tách biệt với đô thị.

Ý kiến của ông thành phố cần cân nhắc việc  xây dựng Cảng Liên Chiểu ở phía Tây vì nguy cơ sẽ ảnh hướng đến cảnh quan vịnh Đà Nẵng và những vấn đề về môi trường.

Cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chuyên gia cao cấp của hãng tư vấn thiết kế Nikken Sekki, ông Shigeru Matsumura khẳng định, Đà Nẵng là một thành phố đặc biệt, là trung tâm của miền Trung nhưng vẫn có không gian về cây xanh, môi trường xanh. Theo ông, cần phải thay đổi cách thức, tập quán về xử lý rác, thay thế việc chôn lấp rác bằng các công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường xanh của thành phố.

Về quỹ đất, ông Shigeru Matsumura khuyến cáo nên kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, phát triển nếu mở rộng đô thị ra phía Nam và phía Tây. Đồng thời, cần thận trọng, có ý tưởng xây dựng cơ bản trong quá trình phát triển đô thị, cần có các quy phạm cần thiết nhằm ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Về cơ sở hạ tầng, ông Shigeru Matsumura gợi ý nên tái cơ cấu tuyến giao thông công cộng: giảm lượng xe máy còn 50%, tăng lượng xe buýt (giao thông công cộng) lên 35%. Hiện tại, lượng xe máy của thành phố chiếm đến 94%, 2% là ôtô và giao thông công cộng chỉ có 4%.

Phát biểu về quỹ đất phía Tây thành phố, đại diện của Công ty tư vấn DESO (Pháp) ông Oliver Soquet cho rằng không nên xây dựng các khu vực nhà cao tầng mà khuyên nên giữ lại như một khu vực dự trữ, duy trì hoạt động nông nghiệp.

Theo ông, việc phát triển nông nghiệp ở phía Tây sẽ phù hợp hơn việc phát triển đô thị. Đồng thời, việc giữ lại vùng nông nghiệp trong thành phố sẽ đảm bảo được an ninh lương thực cho địa phương.

Một số chuyên gia cũng hết sức lưu ý đến vị trí của Đà Nẵng để đề nghị trong đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị cần quan tâm đến việc sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu như là một phần không thể thiếu trong đánh giá môi trường chiến lược.

Đà Nẵng là một đô thị kết nối với không gian kinh tế mở

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò kết nối của Đà Nẵng. Tầm nhìn của Đà Nẵng không chỉ gói gọn trong không gian hành chính, không phải chỉ dựa vào nguồn lực của riêng Đà Nẵng.

Đà Nẵng cần thế hiện vai trò đầu tàu của khu vực, đặc biệt có sự liên kết tương tác với các tỉnh thành để cùng sử dụng chia sẻ nguồn lực với nhau.

Chuyên gia Oliver Soquet gợi ý nên phát triển Đà Nẵng thành thành phố kết nối, thành phố mang bản sắc riêng và thành phố bền vững. Theo ông, Đà Nẵng cần xây dựng mối liên kết để phát huy thế mạnh kinh tế thành phố và toàn khu vực.

Ông Oliver Soquet cho rằng nên duy trì cảng biển hiện tại, xây dựng đường 2 tầng ở cảng biển, phân bố phần dưới cho hoạt động thương mại.

Ông Oliver Soquet cũng khẳng định, 2 bờ sông Hàn là khu vực hấp dẫn của thành phố. Đà Nẵng chỉ cần điều chỉnh thêm vài chi tiết để phát triển mạnh hơn. Đồng thời, theo ông, với tiềm năng trong cơ cấu dân số sẽ tạo nên bản sắc riêng cho thành phố.

Ông Trần Trọng Hanh (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) đề nghị nhà tư vấn cần bám sát vào Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 147/QĐ-TTg và lưu ý Đà Nẵng là thành phố biển, không phải thành phố sông nước như phía nhà tư vấn đề xuất.

Ông Trần Trọng Hanh thống nhất với ý kiến thường vụ Thành ủy “phát triển khai thác tối đa sân bay” trong giai đoạn lập quy hoạch đến năm 2030. Ông Hanh cũng gợi ý hội thảo cần đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ hệ thống sông chính của thành phố là sông Cu Đê và sông Hàn.

Theo ông, phương án chọn đất của nhà tư vấn là bố trí 02 khu công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao có thể ảnh hưởng rất lớn đến bảo vệ môi trường và nguồn nước của lưu vực 02 con sông.

Đại diện Ngo Viet Architects & Planner, ông Ngô Viết Nam Sơn khẳng định Đà Nẵng là vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, hãy nhìn tầm nhìn vùng để phát triển thành phố bền vững và tạo điều kiện cho các vùng lân cận phát triển.

Về vấn đề cảng biển, theo ông Nam Sơn, hiện tại vẫn chưa có số liệu thuyết phục về tình hình của cảng biển, chưa xác định được quy mô hoạt động của Cảng Tiên Sa nếu không xây Cảng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, vùng logistics không sát cảng biển mà có thể bố trí ở vị trí có khoảng cách với cảng biển.

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng đồ án quy hoạch chung ít đề cập đến văn hóa. Trong khi văn hóa là hồn cốt, là những giá trị cốt lõi của thành phố. Đà Nẵng không nên bị ràng buộc bởi một hình thái đô thị nào nhưng trong đề án, một sự đột phá tạo nên bản sắc riêng của thành phố chưa được thể hiện rõ.

Ông Tô Kiên (tập đoàn EJEC, Nhật Bản) khuyến nghị Đà Nẵng không nên đầu tư dàn trải mà chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực, ngành mũi nhọn; thành phố không nhất thiết phải đông dân, không quá chú trọng tăng dân số mà cái cần quan tâm là chất lượng dân số.

Ông Tô Kiên đánh giá Đà Nẵng là một thành phố trẻ, hiện đại, có tiềm năng cho lao động nên cần thiết phải có một khu vực dành riêng cho sự sáng tạo. Thành phố cũng đi đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh để người dân có thể tiếp cận tốt hơn các dịch vụ công và từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư dễ dàng hơn.

17 ý kiến phát biểu tham luận của các chuyên gia tại Hội nghị phản biện đều thể hiện sự mong muốn Đà Nẵng có được sự bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục cùng với tư vấn xem xét điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch những vấn đề tiếp thu chọn lọc từ hội thảo này một cách cẩn trọng để trình Hội đồng Nhân dân thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vấn đề quan trọng hơn chính là công tác quản lý quy hoạch cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc để có thể hiện thực hóa kỳ vọng của người dân thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục