Đà Nẵng: Nhiều biện pháp để sớm thành trung tâm kinh tế biển

Đà Nẵng phấn đấu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030.
Đà Nẵng: Nhiều biện pháp để sớm thành trung tâm kinh tế biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đà Nẵng phấn đấu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030.

Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước; tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới…

Bên cạnh việc hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân tham gia đánh bắt hải sản an toàn, các lực lượng chức năng thành phố còn bảo vệ cho ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển, từ đó từng bước tạo chuyển biến nhận thức cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, nhất là không xâm phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Trước mắt, Đà Nẵng đặt ra lộ trình đến năm 2030 sẽ phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, công nghiệp ven biển, khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác.

Từ đó, góp phần quyết định đến nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng biển và những người lao động trên biển.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đang triển khai chương trình hành động và phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển.

Theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, phát triển bền vững kinh tế biển Đà Nẵng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân thành phố; phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Việc phát triển bền vững kinh tế biển cũng hướng đến giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

Đà Nẵng chủ động lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá.

Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước.

[Giải pháp thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam]

Cùng với đó, thành phố chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng đã đặt mục tiêu theo lộ trình trong xây dựng xây dựng và phát triển thành phố gắn với chiến lược biển.

Theo mục tiêu đề ra, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết Đà Nẵng là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, có 6/8 quận, huyện tiếp giáp với biển; trong đó có huyện đảo Hoàng Sa, chiều dài bờ biển trên 90km. Đánh bắt hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thành phố.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển theo hướng bền vững. Thành phố cũng đã đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương theo hướng là trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung.

Mỗi năm Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận khoảng 24.600 lượt tàu thuyền và trên 112.300 tấn hải sản qua cảng. Kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản mỗi năm đạt từ 200 đến 220 triệu USD.

Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, cơ sở hạ tầng nghề cá tại Cảng cá Thọ Quang hiện nay cơ bản đáp ứng được các điều kiện cần thiết để hỗ trợ nghề cá Đà Nẵng phát triển, kể cả khu vực miền Trung.

Trên thực tế, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang bao gồm cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu neo đậu trú bão cho tàu cá với diện tích mặt nước là 58ha, diện tích trên bờ là 04ha. Từ năm 2013 đến nay, tốc độ phát triển của Cảng cá Thọ Quang bình quân tăng trên 15%.

Đà Nẵng: Nhiều biện pháp để sớm thành trung tâm kinh tế biển ảnh 2Tàu cá ở Đà nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Hằng năm, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận trên 15.600 lượt tàu cá và trên 115.000 tấn hải sản qua cảng. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, khai thác lợi thế, nguồn lực, đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, ngành đang xúc tiến dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá. Khi đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, bố trí các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, đảm bảo trật tự, mỹ quan, an toàn thực phẩm…

Theo đó, khi dự án hoàn thiện, chiều dài bến tàu sẽ tăng thêm 232m, gấp đôi so với hiện nay; tổ chức điều động, bố trí tàu theo từng khu vực cụ thể, với từng nhóm công suất tàu, nhóm nghề cụ thể; lắp đặt hệ thống cân điện tử tại 03 cầu cảng, hệ thống ròng rọc, cẩu nâng hàng,… để đẩy nhanh quá trình bốc dỡ hải sản. Bên cạnh đó, các biện pháp cải thiện và đảm bảo môi trường tại khu vực; tiếp nhận các ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật về xử lý ô nhiễm, áp dụng các biện pháp tuyên truyền, xử lý dứt điểm tình trạng rác xả thải, nước thải không đúng quy định xuống vùng nước Âu thuyền,… để hướng đến xây dựng chợ hải sản văn minh, kết hợp khai thác du lịch.

Để phát triển sản phẩm ngư nghiệp là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững, trong thời gian tới ngành thủy sản Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, ngành sẽ chuyển đổi cơ cấu nghề, xây dựng phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao năng lực chế biến để tăng giá trị sản phẩm thủy sản; đầu tư phát triển, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá Thọ Quang theo hướng công nghiệp, thương mại, trở thành trung tâm nghề cá của cả nước gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc. Cùng với đó, việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn sự quy giảm nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản sẽ được đẩy mạnh, hướng đến nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản một các bền vững.

Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản từ Trung ương và của thành phố trong thời gian qua đã kịp thời giải quyết các khó khăn của ngư dân về nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá, trang thiết bị, bảo quản sản phẩm; trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc. Từ đó, tạo thuận lợi cho ngư dân phát triển kinh tế biển kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.