Bài 5: ‘Chở’ Luật… ra khơi, giúp ngư dân vững tin bám biển

Không chỉ làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, chiến sỹ Trường Sa còn là cầu nối “chở” Luật ra khơi, giúp ngư dân yên tâm bám biển và chấp hành đúng pháp luật.
Bài 5: ‘Chở’ Luật… ra khơi, giúp ngư dân vững tin bám biển ảnh 1Các chiến sỹ Trường Sa làm cầu nối “chở” Luật ra khơi để tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân đánh bắt cá giữa ngư trường. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Nắng tháng Năm cháy rát, trời xanh ngăn ngắt, lộng gió mang theo hơi muối mặn mòi. Trong cái nắng ấy, cán bộ chiến sĩ Trường Sa vẫn tập trung huấn luyện, canh giữ biển đảo, tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Các anh còn là cầu nối “chở” Luật ra khơi để truyên truyền, giúp ngư dân đánh bắt cá giữa ngư trường hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật pháp trong nước và quốc tế.

Nhờ đó, ngư dân đã vững tin vươn khơi, bám biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng ngư dân vươn khơi

Một sáng mùa hè ở đảo chìm Thuyền Chài B, những chiếc tàu của bà con ngư dân dập dềnh neo đậu xung quanh đảo sau một đêm trắng quần thảo đánh bắt cá giữa ngư trường. Từ xa xa, cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu bay phấp phới, tiếng hò reo của ngư dân vang lên khi thấy đoàn công tác từ đất liền ra thăm Trường Sa.

Vậy là, sau hải trình 5 ngày trên biển, chúng tôi đã thấy bóng dáng những ngư dân giữa trùng khơi. Tới gần, từng cánh tay giơ lên vẫy chào, những lời hỏi thăm vọng sang khiến từng thành viên đoàn công tác đều thấy vui, tự hào. Đó là ngư trường, là lãnh hải của Tổ quốc.

Sau cuộc gặp chớp nhoáng với tàu cá của ngư dân tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được xuồng KN 491 chở vào thăm đảo. Báo cáo với đoàn công tác, Đại úy Trần Văn Lãm, Chỉ huy trưởng điểm B đảo Thuyền Chài cho biết, mặc dù điểm đảo đóng quan xa đất liền, điều kiện khí hậu thủy văn khắc nghiệt, nhưng cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn quán triệt tốt mọi nhiệm vụ, trên dưới một lòng, giữ gìn biển đảo.

Không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cán bộ chiến sỹ đảo Thuyền Chài B còn thực hiện có hiệu quả và chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, tích cực giúp đỡ ngư dân ra khai thác thủy hải sản ở khu vực đảo. Khám, tư vấn và cấp, phát thuốc cho ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ngãi.

“Trong quá trình tiếp xúc cũng như mỗi lần ngư dân vào xin thuốc, chúng tôi lại tổ chức phổ biến, truyên truyền cho ngư dân nắm được tình hình khu vực và các quy định trong khai thác hải sản như: Không đánh bắt cá bằng hình thức đánh thuốc nổ, không khai thác ngoài phạm vi lãnh hải, không gây xung đột với tàu cá của các nước láng giềng,” Đại úy Lãm nhấn mạnh.

Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ đảo Thuyền Chài B cũng luôn coi việc đồng hành, giúp đỡ và làm điểm tựa cho bà con ngư dân là trách nhiệm, nghĩa vụ trong làm kinh tế biển, xây dựng nền quốc phòng an ninh trên biển. Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trong những năm qua, đảo luôn đồng hành cùng ngư dân, bảo vệ môi trường hòa bình trên biển.

[‘Sức sống xanh’ trường tồn nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa]

Gần 30 năm công tác trong Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có hơn một thập kỷ chỉ huy ở nhiều điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Thượng tá Đinh Trọng Thắm-Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn khẳng định ngoài các nhiệm vụ chính ở đảo, những năm qua, cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn đẩy mạnh tuyên truyền bà con ngư dân về vị trí vai trò của biển, những pháp lý căn bản về đánh bắt hải sản hợp pháp; hỗ trợ kịp thời cho bà con ngư dân trong suốt hành trình ra khơi.

“Đảo cũng thực hiện tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, cấp cứu, sửa chữa máy móc, ngư cụ cho ngư dân khi có sự cố; bảo vệ tính mạng, tài sản cho bà con ngư dân. Mục tiêu chung là nâng cao chất lượng hiệu quả, vận động hỗ trợ bà con ngư dân khai thác thủy hải sản an toàn, đúng pháp luật; gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo,” Thượng tá Thắm nói.

Tự hào là người lính Hải quân đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lớn-“thủ đô” của quần đảo Trường Sa, Trung úy Trần Đình Điệp khẳng định biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, tuyên truyền về biển đảo theo chủ trưởng của Đảng và Nhà nước là vấn đề luôn cần phải đẩy mạnh.

Theo Trung úy Điệp, việc tuyên truyền ở đây không chỉ góp phần giúp ngư dân đánh bắt ở trên biển hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật pháp, mà còn để ngư dân yên tâm là bên cạnh luôn có lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển cùng các lực lượng sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi công tác đánh bắt cá gặp khó khăn, cũng như gặp sự cố ở trên vùng biển của mình.

“Với tinh thần đó, thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với ngư dân để tuyên truyền, cũng như phát tờ rơi phổ biến các quy định của Luật Biển cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở xung quanh đảo, để họ hiểu và thực hiện đúng chủ trương, không để sự cố đáng tiếc xảy ra,” anh Điệp nói thêm.

Lực lượng quân y ở đảo cũng đã hỗ trợ nước ngọt, tổ chức khám chữa bệnh, tiến hành cấp cứu và đảm bảo tốt việc cấp phát thuốc. Qua đó thắt chặt hơn tình đoàn kết của cán chiến sỹ và nhân dân trên đảo, trên biển để người dân yên tâm vươn khơi bám biển và thực hiện chiến lược biển Việt Nam.

Bài 5: ‘Chở’ Luật… ra khơi, giúp ngư dân vững tin bám biển ảnh 2Tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân neo đậu tại khu vực Đảo Thuyền Chài B. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Gắn trách nhiệm ngư dân là chiến sỹ

Từ bao đời nay, hành trình vươn khơi của ngư dân không chỉ là bám kế sinh nhai, mà đó còn là hành trình đánh dấu chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những đoàn thuyền cắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển khơi là những “cột mốc sống,” ngư dân trên thuyền là những người giữ cột mốc bền bỉ, kiên cường.

Đặc biệt, với tinh thần “Quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn”; “Mỗi ngư dân là một chiến sỹ, mỗi con tàu là một cột mốc bảo vệ biển đảo”… cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, nhà giàn, bà con ngư dân đã thực sự yên tâm ra khơi bám biển, đánh bắt thủy hải sản, phát triển kinh tế…

Ngư dân Nguyễn Văn Toàn quê ở Bình Định đã đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa gần chục năm nay cho biết, đánh bắt cá ngoài khơi xa thiếu thốn đủ bề, nhưng nhờ được các đảo hỗ trợ nước ngọt, thuốc men, hỗ trợ khi tàu bị trục trặc gặp sự cố hư hỏng, nên bà con rất vui mừng. Cũng nhờ các cán bộ, chiến sỹ trên đảo nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện nên ngư dân yên tâm bám biển.

“Thời gian qua, mặc dù chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt, đã có những chiếc tàu của ngư dân hư hại ngoài các ngư trường xa bờ, nhưng điều đó không làm chúng tôi sợ hãi mà bỏ ngư trường truyền thống của mình, là vùng biển, đảo mà ông cha ta từ ngàn xưa để lại,” ông Toàn chia sẻ.

[Bài 2: ‘Bầu sữa quý’ giữa trùng khơi giúp Trường Sa thay da đổi thịt]

Chứng kiến sự đổi thay qua từng năm ở Trường Sa, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân cho biết, từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Quân chủng Hải quân đã ký kết tuyên truyền biển đảo với 63 tỉnh thành và 15 cơ quan Trung ương. Qua chương trình ký kết, việc tuyên truyền biển đảo đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền, cơ quan đoàn thể và nhân dân cả nước về vị trí, vai trò của biển đảo.

Đồng thời, qua phối hợp tuyên truyền về biển đảo, các cấp ủy chính quyền, cơ quan đoàn thể… cũng đã đóng góp cho Quân chủng Hải quân xây dựng các công trình thiết yếu ở trên đảo, chia sẻ, động viên quân và dân trên các điểm đảo và nhà giàn đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Mỗi năm ra các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa đều thấy sự thay đổi rất nhiều từ điều kiện sinh hoạt đến khả năng kháng lực của các lực lượng trên đảo. Qua phối hợp tuyên truyền biển đảo, nhân dân cả nước cũng hiểu thêm về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quân chủng Hải quân. Chính công tác giáo dục, tuyên truyền, sự quan tâm của cả nước, chế độ chính sách cải thiện… nên các lực lượng, chiến sỹ trên đảo rất yên tâm, xây dựng được bản lĩnh tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo, xử lý các tình huống trên biển, các trang thiết bị sẵn sàng chiến đấu,” vị Thiếu tướng hải quân nói.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Biển cho ngư dân trên biển, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện khẳng định, đây là trách nhiệm chung, vì thế cấp ủy chính quyền các địa phương, các lực lượng biển, hải quân, biên phòng cần có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền cho ngư dân, để bà con ngư dân chấp hành pháp luật, không khai thác vượt quá giới hạn không vi phạm lãnh hải của các nước trong khu vực.

“Riêng với lực lượng Hải quân, theo điều kiện của mình cũng đã in, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân. Vừa qua, Quân chủng Hải quân cũng đã có chương trình phối hợp để ngư dân ra khơi có trách nhiệm, chấp hành Luật Biển, cũng như yên tâm bám biển trong quá trình đánh bắt cá trên ngư trường,” Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện nói thêm.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus trong chuyến ra thăm Trường Sa, ông Phạm Ngọc Cảnh-Phó Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu (Nghệ An), cho rằng hành trình vươn khơi của ngư dân không chỉ là bám kế sinh nhai, mà đó còn là hành trình đánh dấu chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Vì thế, với lợi thế ven biển, địa phương luôn tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi làm nghề đánh cá, phát triển kinh tế địa phương.

“Tuy nhiên, để ngư dân ra khơi an toàn và có trách nhiệm, chúng tôi cũng tuyên truyền, gắn trách nhiệm cho ngư dân như thành lập các tổ dân quân tự vệ trên biển...,” ông Cảnh nhấn mạnh./.

Bài 5: ‘Chở’ Luật… ra khơi, giúp ngư dân vững tin bám biển ảnh 3Ngoài thời gian huấn luyện, tăng gia sản xuất, cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn đọc sách, báo để năm bắt thông tin, các quy định của pháp luật để phổ biến cho ngư dân. (Ảnh: TVĐCT/Vietnam+)

Bài 6: Hậu phương ‘tiếp lửa’ thương yêu cho lính đảo Trường Sa

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục