Chiều 28/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để làm rõ hơn những nội dung của Quy hoạch mang tầm nhìn chiến lược này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Thưa ông, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong việc bảo đảm các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên biển và hải đảo?
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu tiên được lập ở nước ta, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Quy hoạch Không gian biển Quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp; là quy hoạch mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở, dẫn dắt; cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch Không gian biển Quốc gia phân bổ, sắp xếp hợp lý không gian biển cho các ngành, lĩnh vực trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên không gian biển theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển.
Quy hoạch góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, giá trị tự nhiên-văn hóa-lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Đây là quan điểm xuyên suốt toàn bộ nội dung Quy hoạch.
Mục tiêu chính của Quy hoạch là tạo lập cơ sở cho phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo nhiều sinh kế hiệu quả cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
- Theo ông, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển ra sao?
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Để hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển mà Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra định hướng phát triển cho các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành kinh tế biển mới. Quy hoạch đặt ra 5 vấn đề trọng tâm và 4 đột phá có tính then chốt, sức lan tỏa lớn và tạo động lực cho phát triển.
Cụ thể, năm vấn đề trọng tâm, thứ nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các tiêu chí, quy chế xử lý những vấn đề phát sinh đối với những vùng chồng lấn, mâu thuẫn sử dụng trong khai thác, sử dụng không gian biển. Quy hoạch hoàn thiện các chính sách phát triển năng lượng sạch, tái tạo và kinh tế biển mới gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; ban hành hướng dẫn, quy định triển khai phân vùng sử dụng không gian biển cấp địa phương.
Trọng tâm thứ hai là xây dựng hạ tầng biển; trong đó chú trọng những lĩnh vực trọng điểm như cảng biển và giao thông kết nối cảng biển với nội địa, thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số...
Phát triển đồng bộ đường không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa giữa địa phương có biển và không có biển và với các nước.
Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế thủy sản gắn với bảo tồn biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; kinh tế hàng hải, vận tải biển, xây dựng cảng biển và sửa chữa, đóng mới tàu biển; du lịch và dịch vụ biển.
Phát triển mạnh mẽ hệ thống đô thị ven biển, đảo để tạo ra các trung tâm dịch vụ hậu cần kinh tế mạnh và thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng. Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển khai thác, sử dụng khoáng sản biển, năng lượng sạch.
Trọng tâm thứ ba là xây dựng các thiết chế văn hóa biển, đảo; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa biển, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của cư dân vùng biển, đảo; tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tổ chức tốt và hiệu quả Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.
Kiểm soát và quản lý các nguồn thải và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên biển, vùng đất ven biển và các đảo; phân định các khu bảo tồn, bảo vệ biển và ven biển, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái để tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ biển là trọng tâm thứ 4.
Vấn đề trọng tâm cuối cùng là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật; tăng cường đào tạo nhân lực biển, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các ngành hàng hải, thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch, khoa học, công nghệ biển.
Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ biển phục vụ những ngành kinh tế biển mới, nhiều tiềm năng như dược liệu biển, y học biển, hóa học biển, các vật liệu mới; đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Bốn khâu đột phá, một là tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển, kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo đa mục tiêu, lưỡng dụng, đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự cố môi trường biển.
Hai là phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh.
Ba là đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, ưu tiên phát triển nuôi biển và đánh bắt xa bờ, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển.
Khâu đột phá cuối cùng là phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch, xanh từ biển, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng ở đáy biển.
- Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Nội dung này được thể hiện trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như thế nào thưa ông?
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng cho phát triển lĩnh vực này. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó thúc đẩy và khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác điện gió ngoài khơi, công nghiệp hydrogen, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác tại các vùng biển, đảo có tiềm năng, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Phát triển các ngành kinh tế biển mới như công nghiệp công nghệ cao và ngành khai thác dữ liệu biển; sản xuất dược phẩm từ các sinh vật biển, phát triển y học biển, các vật liệu mới, công nghiệp hóa chất biển; nghiên cứu cô lập, sử dụng và lưu trữ khí nhà kính ở các bể trầm tích, cấu trúc địa chất ngoài khơi.
Trong Quy hoạch Không gian biển Quốc gia, trên cơ sở các dữ liệu hiện có, các vùng tiềm năng gió đã được xác định, để cơ sở thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát và xác định các khu vực biển ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi. Các hoạt động điều tra, khảo sát này sẽ được cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch do Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Quy hoạch không gian biển quốc gia mang tầm nhìn chiến lược
Việt Nam cần quy hoạch không gian biển nhằm định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh.