Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các thành viên; thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng tạo nên thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, công tác điều hòa vốn của Quỹ tín dụng Trung ương đối với các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên phạm vi toàn quốc căn bản được cải thiện do giảm bớt khâu trung gian và cơ chế điều hòa vốn thuận tiện, phù hợp với hoạt động đặc thù của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Ngoài ra, cơ chế điều hòa linh hoạt đã tạo điều kiện cho các Quỹ cơ sở gửi vốn nhanh, thuận lợi, đảm bảo có thể bù đắp đủ chi phí và có lãi; lãi suất cho vay áp dụng đối với các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đều ưu đãi hơn so với mức lãi suất cùng loại áp dụng đối với khách hàng ngoài hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Thường xuyên hỗ trợ khả năng thanh khoản kịp thời cho các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trong những trường hợp cần thiết (thậm chí mất khả năng thanh toán chi trả).
Bà Huỳnh Thị Ri, Giám đốc Quỹ tín dụng Mỹ Bình - Long Xuyên - An Giang cho biết, với mục tiêu “tương trợ cộng đồng” hàng nghìn hộ nông dân vùng nông thôn được vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ tín dụng Mỹ Bình, chủ động sản xuất mùa vụ, kinh doanh mua sắm máy móc, nông cụ, xây nhà ở… Vì thế, rất nhiều hộ nông dân và kinh doanh nhỏ sử dụng vốn vay có hiệu quả cao, góp phần xóa đói, giảm mạnh hộ nghèo.
Bên cạnh đó, cũng hạn chế được tình trạng nông dân không phải bán lúa non, đã góp phần tích cực vào việc khơi dậy tiềm năng kinh tế tại địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Còn ông Lâm Văn Nhung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng Nhị Trường - Trà Vinh cho rằng, Quỹ này đã giải quyết cho trên 10.000 lượt hộ vay có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, thu hút hàng ngàn lao động của kinh tế hộ có việc làm thường xuyên.
"Quỹ này còn có ý nghĩa hơn là hạn chế thấp nhất cho vay nặng lãi tại địa phương, khi chưa có Quỹ thì lãi vay bên ngoài từ 10-15%, hiện nay kéo xuống còn 2,5 - 3% và số tiền vay bên ngoài cũng rất ít so với trước đây," ông Nhung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, độ bao phủ của hệ thống còn hạn chế. Bởi sau 12 năm thực hiện Chỉ thị 57 mới chỉ có thêm một tỉnh có Quỹ tín dụng nhân dân, vẫn còn 7 tỉnh chưa có Quỹ. Một số đại biểu phân vân “dường như nhiều tỉnh còn lo ngại điều gì đó mà chưa mạnh dạn tạo điều kiện cho Quỹ tín dụng nhân dân phát triển mạnh hơn nữa”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước, các cấp ủy bộ ngành địa phương trong 12 năm đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 57, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đã có bước phát triển mới về chất lượng và quy mô hoạt động cũng như tiếp tục hoàn thiện về mô hình tổ chức liên kết.
Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cũng đã góp phần tích cực từng bước xóa đói giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên những địa bàn có Quỹ hoạt động.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, quá trình triển khai Quỹ tín dụng nhân dân còn nhiều hạn chế. Đánh giá chất lượng hoạt động của quỹ không phải ở dư nợ cho vay, tỷ suất lợi nhuận mà ở hiệu quả sản xuất kinh doanh của những người vay từ quỹ.
Phó Thủ tướng lưu ý, qua tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 57, vì sao độ bao phủ của quỹ chưa thay đổi đáng kể, nên chăng cần có thảo luận trong các tỉnh. Cần phải phấn đấu hầu hết các huyện, các xã đều có quỹ tuy nhiên không nên vội vàng. Cần tăng độ che phủ của quỹ từ đó góp phần tạo thị trường vốn ở nông thôn, nông dân và người sản xuất quy mô nhỏ.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với bộ ngành địa phương phát triển hệ thống quỹ tín dụng và xây dựng quỹ thành loại hình tổ chức hoạt động độc lập tự chủ được quản lý chuyên nghiệp, tin học hóa và đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, những tồn tại khuyết điểm trong quản lý Nhà nước đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cũng như tồn tại của hệ thống quỹ là cơ sở để trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phát triển hệ thống quỹ.
Thống đốc cũng cho biết, Quỹ tín dụng Trung ương từ nay từ nay có tên gọi mới là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank), hệ thống ngân hàng Hợp tác xã sẽ trở thành trụ cột quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực nông thôn.
Thống đốc cho rằng, thách thức mới đang đặt ra cho Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phải nỗ lực, chủ động nhiều hơn nữa để nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển triển nông nghiệp, nông thôn.
"Với kết quả đạt được trong gần 20 năm qua, chúng tôi đề nghị hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã tiếp tục đi đầu thực thi và hưởng ứng tích cực chủ trương chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng," Thống đốc nhấn mạnh.
Cùng ngày, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng chính thức được khai trương và đi vào hoạt động dưới sự chứng kiến và cắt băng của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân./.