"Quyền an toàn của người tiêu dùng": Thực sự đã có quyền và an toàn?

Giữa ma trận thông tin khuyến mãi và nạn hàng giả, thực phẩm bẩn bủa vây, nhiều chuyên gia lo ngại quyền an toàn của người tiêu dùng không được đảm bảo.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra các cơ sở làng nghề về an toàn thực phẩm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Quyền an toàn của người tiêu dùng" là chủ đề chính được Bộ Công Thương chọn trong năm 2016 nhằm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh trong toàn xã hội.

Giữa ma trận thông tin khuyến mãi và nạn hàng giả, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ nhiều chuyên gia lo ngại quyền của người tiêu dùng rất ​khó ​để được đảm bảo.

Theo thống kê, trong tháng ​Hai, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 667 vụ. Chỉ tính riêng số vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đã chiếm 1/4 số vụ kiểm tra và xử lý trong tháng đầu năm này.

Đáng chú ý, nhiều vụ vi phạm có mức độ tinh vi và phức tạp, điển hình như vụ thu giữ hơn 4 tấn phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ở kho hàng tại Cụm 4, Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội ngày 10/3 vừa qua.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ được nhiều gói bột mùi hương liệu trong những vỏ bao bì toàn chữ Trung Quốc là nguyên liệu dùng để sản xuất bimbim, đều không có hóa đơn chứng tờ chứng minh chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Vào ngày 08/01, Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Gia Phong địa chỉ BT1.5 khu chức năng Tây Mỗ, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã phát hiện 96 hộp carton là nguyên liệu gia công thực phẩm chức năng. Điều bất ngờ là kết quả giám định số hàng hóa trên đều có dấu hiệu giả mạo chất lượng.

Trước nhiều ẩn họa đang rình rập, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng cho rằng, trong khi kiến thức của người tiêu dùng còn hạn chế thì nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức quảng cáo để thổi phồng chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, việc khiếu nại của người tiêu dùng lại khó thực hiện vì việc khiếu nại bằng cách nào và cơ quan nào đứng ra giải quyết cho người tiêu dùng vẫn còn hết sức khó khăn.

Chính vì vậy, theo bà Chi, giữa một ma trận hàng hóa vừa khuyến mãi và rất chuyên nghiệp trong cách marketing của doanh nghiệp thì người tiêu dùng cần có kiến thức về mua và sử dụng hàng hóa, tránh gặp phải tình cảnh "tiền mất tật mang."

Phát hiện một lò giết mổ gia cầm trái phép trên đia bàn Hà Nội sử dụng chất cấm để nhuộm gà. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, dù nhận thức của người tiêu dùng đã được nâng lên nhưng điều quan trọng hơn là rất khó để phân biệt được hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lãnh đạo Hiệp hội này cho rằng, để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng thì biện pháp đầu tiên là kiểm soát chặt từ cửa khẩu, ngăn không cho hàng lậu tràn vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, ở trong nước, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra từ nơi sản xuất để đảm bảo nguồn cung hàng hóa ra thị trường phải đạt chất lượng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2011. Trong giai đoạn hiện nay, sự ra đời của Luật là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là cái tâm và đạo đức của nhà sản xuất, nhà kinh doanh, phân phối.

Theo ông Phú, cần ​phát huy vai trò xứng đáng của ​hiệp hội để có thể bảo vệ hữu hiệu quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải mạnh tay xử lý các hành vi sai trái và thông tin công khai các vụ việc vi phạm./.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/3 hàng năm được chọn làm ngày "Quyền của người tiêu dùng Việt Nam."

Năm 2016, Bộ Công Thương chọn chủ đề “Quyền an toàn của người tiêu dùng” làm trọng tâm tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản, trong đó quyền đầu tiên người tiêu dùng được hưởng là quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục