Quyền con người được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khi nhiễm HIV

Chỉ khi bảo đảm quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe và đặt con người làm trung tâm, thế giới mới có thể chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại Nam Phi. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại Nam Phi. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)

Liên hợp quốc đã chọn chủ đề của Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay “Take the rights path: My health, my right!" nhằm nhấn mạnh đến việc đảm bảo quyền con người được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; trong đó mọi người đều phải được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần, bao gồm các dịch vụ phòng ngừa, điều trị và chăm sóc HIV.

Chỉ khi bảo đảm quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe và đặt con người làm trung tâm, thế giới mới có thể chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet HIV, số ca mắc và tử vong do bệnh AIDS trên toàn cầu đã giảm mạnh trong những năm qua, đánh dấu bước tiến đầy ấn tượng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này.

Trong thập niên qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm khoảng 20%, năm 2023 là 1,3 triệu người. Số ca tử vong liên quan HIV/AIDS cũng giảm mạnh, xuống dưới mức 1 triệu ca/năm (năm 2023 là 630.000 người), trong khi 20 năm trước lên tới 2,1 triệu ca năm 2004. Đây là tín hiệu lạc quan, đặc biệt ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara - nơi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, những kết quả này không đồng đều ở các khu vực. Tỷ lệ nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS đang gia tăng tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 5 năm qua, số ca nhiễm HIV mới đã tăng 8% và số ca tử vong liên quan đến AIDS ở khu vực này đã tăng 10%. Mỗi giờ, có 16 người nhiễm mới và 6 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến HIV tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Năm ngoái, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 2,3 triệu người sống chung với HIV, 140.000 ca nhiễm mới và 53.000 ca tử vong chỉ riêng trong năm 2023. Có 19.000 trẻ em sống chung với HIV trong khu vực, nhưng chỉ có hai trong số ba trẻ được điều trị bằng liệu pháp kháng virus (ART).

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cảnh báo về tỷ lệ nhiễm HIV mới đáng báo động ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ, nhấn mạnh rằng nhóm đối tượng này đang thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa và điều trị.

HIV_Nigeria_1511.jpg
Nigeria triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh AIDS. (Nguồn: CDC)

Hiện nay, khoảng 77% người trưởng thành nhiễm HIV được tiếp cận với ARV, nhưng chỉ có 57% trẻ em dưới 14 tuổi và 65% thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi được tiếp cận với loại thuốc kháng HIV. Mặc dù trẻ em dưới 14 tuổi chỉ chiếm 3% tổng số người nhiễm HIV, nhưng lại chiếm tới 12% (tương đương 76.000 ca) số ca tử vong liên quan đến AIDS trong năm 2023.

Năm ngoái, riêng tại khu vực miền Đông và miền Nam châu Phi, có 42.000 trẻ em từ 0-14 tuổi đã mất mạng vì AIDS và 120.000 trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ (15-24 tuổi), bao gồm cả những bà mẹ trẻ, mới mắc HIV.

Phó Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của UNICEF, bà Anurita Bains cho biết trẻ em và thanh thiếu niên chưa được hưởng lợi đầy đủ từ việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị và phòng ngừa.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Avir Sarkar, Phó Giáo sư Khoa Sản, trường Cao đẳng Y, Viện các môn khoa học Y khoa quốc tế Noida (NIIMS, Ấn Độ), thanh thiếu niên dễ bị nhiễm HIV/AIDS nhất do khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, hành vi tình dục nguy cơ và sử dụng chất gây nghiện.

Dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm dân số chính, bao gồm nam quan hệ tình dục với nam, người chuyển giới, gái mại dâm, người tiêm chích ma túy và bạn tình của họ. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022, các ca nhiễm HIV mới trong nhóm này đã tăng tới 85%, làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng dai dẳng về vấn đề chăm sóc và bảo vệ chống HIV/AIDS.

Trên thực tế, những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong nỗ lực kiềm chế căn bệnh thế kỷ này có liên quan trực tiếp đến tiến bộ trong việc bảo vệ quyền con người. Ngược lại, tiến bộ đạt được thông qua ứng phó với HIV đã thúc đẩy tiến bộ rộng hơn trong việc hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe và tăng cường hệ thống y tế.

TTXVN_2611 HIV.jpg
Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhận thuốc tại một phòng khám ở Port-au-Prince, Haiti. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy việc mở rộng số người tiếp cận điều trị là một thành tựu y tế công cộng mang tính bước ngoặt, giúp giảm một nửa số ca tử vong liên quan đến AIDS kể từ năm 2010 - từ 1,3 triệu xuống còn 630.000 vào năm 2023.

Báo cáo của UNAIDS nhấn mạnh đại dịch AIDS có thể chấm dứt vào năm 2030 nhưng chỉ khi các nhà lãnh đạo ưu tiên con người và tăng cường nguồn lực ngay từ bây giờ. Báo cáo nêu rõ thế giới đang đi chệch hướng dù việc ứng phó với AIDS đang trong tầm tay chúng ta.

Trên toàn cầu, trong số 39,9 triệu người sống chung với HIV/AIDS có 9,3 triệu người không được điều trị. Hậu quả là, cứ mỗi phút có 1 người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến AIDS. Cũng theo báo cáo, bất bình đẳng giới đang làm trầm trọng thêm những rủi ro mà trẻ em gái và phụ nữ phải đối mặt.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với các cộng đồng thiểu số tạo ra rào cản đối với các dịch vụ phòng ngừa và điều trị quan trọng khiến các nhóm dân số chính, bao gồm gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người tiêm chích ma túy, chiếm tỷ lệ gia tăng (55%) trong các ca nhiễm mới trên toàn cầu so với năm 2010 (45%).

Báo cáo đã chứng minh rằng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV chỉ có thể đến được với mọi người nếu quyền con người được bảo đảm, nếu các quy định bất công chống lại phụ nữ và các cộng đồng thiểu số bị xóa bỏ, và nếu tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực được giải quyết triệt để.

Các chuyên gia cho rằng cần đầu tư vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện và có khả năng phục hồi, đảm bảo khả năng tiếp cận liệu pháp kháng virus, ngay cả trong các tình huống khủng hoảng. Cần giải quyết các yếu tố xã hội như kỳ thị, phân biệt đối xử và bất bình đẳng về cơ cấu đang cản trở việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là đối với các nhóm thiểu số. Bảo đảm quyền con người được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe chính là chìa khóa để thế giới đạt mục tiêu phát triển bền vững chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục