Quyền lực Tổng thống Poroshenko suy yếu sau khi Thống đốc từ chức

Việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine, Gontareva, từ chức đã khiến Tổng thống Poroshenko mất đi một đồng minh quan trọng và khó tìm được ai sẵn sàng kế nhiệm vị trí "cảm tử" của bà.
Quyền lực Tổng thống Poroshenko suy yếu sau khi Thống đốc từ chức ảnh 1Bà Valeria Gontareva trong một phiên họp Quốc hội Ukraine ngày 19/6/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin, trước sức ép khủng khiếp từ những người phản đối - vốn đã đóng quan tài trước cửa nhà riêng và gọi bà là con rối của Nga - ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Valeria Gontareva đã đệ đơn từ chức.

Động thái này khiến Tổng thống Petro Poroshenko mất đi một đồng minh quan trọng trong bối cảnh các chủ nợ trợ giúp Ukraine bắt đầu hoài nghi về khả năng thực thi các biện pháp cải cách mà ông từng hứa hẹn.

Không ngần ngại ban hành các biện pháp chống khủng hoảng khắt khe, bà Gontareva tạo ra nhiều kẻ thù mặc dù nhận được sự tán thưởng từ các nhà đầu tư và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức đã tung gói cứu trợ 17,5 tỷ USD dành cho Ukraine.

Thực tế rằng Tổng thống Poroshenko không thể bảo vệ bà Gontareva sẽ khiến việc thay thế bà càng trở nên khó khăn hơn.

Theo nghị sỹ Oleksander Kirsh thuộc của đảng "Mặt trận Nhân dân" liên minh với Khối "Đoàn kết" của ông Poroshenko, Tổng thống sẽ khó có thể tìm được người sẵn sàng kế nhiệm vị trí "cảm tử" của bà Gontareva.

Kể từ khi ông Poroshenko nhậm chức Tổng thống Ukraine năm 2014 với cam kết thống nhất đất nước, cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai tại miền Đông rơi vào tình trạng bế tắc với hơn 10.000 người đã thiệt mạng, trong khi nền kinh tế nước này - cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga và nạn tham nhũng tràn lan - vẫn phải tồn tại nhờ gói cứu trợ quốc tế.

Theo Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, tỷ lệ ủng hộ cho đảng của ông Poroshenko đã giảm từ 21,7% hồi tháng 10/2014 xuống còn 11,9% vào tháng 10/2016.

Kết quả thăm dò dư luận cho thấy cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko sẽ đánh bại ông Poroshenko trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.

Những tháng gần đây, hình ảnh lãnh đạo của ông càng xấu đi. Ông khiến công chúng bất bình khi phản đối các nhà hoạt động phong tỏa kinh tế với vùng lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát, để rồi ban hành chính sách về phong tỏa kinh tế này chỉ 2 tháng sau.

Tổng thống cũng ký thông qua những sửa đổi của Quốc hội, theo đó giảm thiểu một trong những biện pháp cải cách chống tham nhũng mạnh mẽ nhất được ban hành sau làn sóng biểu tình năm 2014, với lý do phải nhượng bộ các nghị sỹ "ngoan cố."

Nghị sỹ Serhiy Leshchenko thuộc khối Đoàn kết của Tổng thống nhận xét: "Poroshenko bám theo công luận. Kế hoạch của Poroshenko là do người khác vạch ra, và ông ta phải đi theo nó."

Cuộc thăm dò dư luận của Quỹ Sáng kiến Dân chủ hồi tháng 12 cho thấy 80% người dân Ukraine không tin tưởng bà Gontareva. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu rộng của các ông trùm kinh tế trong chính trường Ukraine khiến cho người ta khó xác định được các cuộc biểu tình phản đối bà Gontareva là do sự giận dữ thực sự của người dân hay chỉ là vì quyền lợi của phe đối địch.

Theo bộ phận báo chí của bà Gontareva, làn sóng biểu tình phản đối vị thống đốc này là hành động trả thù của những người chịu thiệt hại sau khi ngân hàng PrivatBank bị quốc hữu hóa hồi tháng 12/2016.

Chiếc quan tài trước cửa nhà bà Gontareva nhắc cho người ta về mối nguy hiểm đối với các chủ ngân hàng trung ương tại khu vực này.

Năm 2006, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Andrei Kozlov đã bị bắn chết sau khi đóng cửa hàng chục ngân hàng tham nhũng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.