Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1917-2017), gia đình nhà thơ Nguyễn Bính với đại diện là bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ, đã cùng Công ty cổ phần Phát hành sách Fahasa giới thiệu bộ sách “Nguyễn Bính Toàn tập.”
Bộ sách gồm hai cuốn. Cuốn 1 gồm Phần 1: Thơ in trước 1945, Phần 2: Thơ in sau 1945, Phần 3: Truyện thơ và Trường ca. Cuốn 2 gồm Phần 1: Kịch Thơ, Phần 2: Văn xuôi, Phần 3: Nguyễn Bính trong ký ức bạn bè, Giai Thoại và những bài thơ và ca dao Nam bộ kháng chiến...
Nhà thơ Nguyễn Bính sinh tại tỉnh Nam Định. Năm 19 tuổi (1937), Nguyễn Bính trình làng bài thơ đầu tiên trên thi đàn và vào cùng năm, tập thơ “Tâm hồn tôi” của ông đạt giải Khuyến khích của "Tự lực văn đoàn," giúp ông sớm nổi danh. Năm 1940, Nguyễn Bính lại cho ra tập thơ “Lỡ bước sang ngang” nổi tiếng.
Thơ Nguyễn Bính có thể chia làm hai dòng lãng mạn và cách mạng. Dòng thơ cách mạng của ông khá mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Vừa tham gia kháng chiến (làm công an xã, chính trị viên Liên khu du kích 5 xã ở huyện Bình Minh, tỉnh Rạch giá; Phó chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Rạch Giá...), Nguyễn Bính vừa cho ra đời rất nhiều bài thơ phản ánh cuộc sống kháng chiến và tình cảm của nhân dân với cách mạng như "Ông lão mài gươm," "Trường ca Đồng Tháp," "Đông Nam bộ kháng chiến," "Bài ca kèn gọi lính"... Đặc biệt bài thơ "Tiểu đoàn 307" đã được nhạc sỹ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc và trở nên phổ biến rộng rãi.
Tài danh của Nguyễn Bính còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Năm 1941, ông đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Thanh niên Đông Pháp với truyện “Không đất cắm dùi” và giải Nhất Nam xuyên với Truyện thơ “Tỳ bà truyện” gồm 1.550 câu.
Với gần 50 năm tuổi đời, trên 30 năm sáng tác, Nguyễn Bính đã để lại sự nghiệp thi ca khá đồ sộ với 22 tác phẩm, trong đó có 14 tập thơ, tám truyện thơ, năm tác phẩm kịch bản sân khấu, bốn tập truyện ngắn và tiểu thuyết... góp phần làm giàu kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà.
Thơ Nguyễn Bính đến với bạn đọc như một cô gái quê kín đáo, mặn mà, duyên dáng. Và thơ ông luôn giản dị, chân quê nhưng hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc, hợp với phong cách và tâm hồn người Việt. Ông mất năm 1966.
Với tài năng và sự cống hiến của mình, năm 2000, Nguyễn Bính vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái trưởng của cố nhà thơ Nguyễn Bính, cho biết bà đã bỏ ra hơn 20 năm để sưu tầm, biên soạn nên bộ sách "Nguyễn Bính Toàn tập"./.