Ngày 23/7, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định không đưa rạn san hô Great Barrier của Australia vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm, bất chấp quan ngại rằng địa điểm du lịch nổi tiếng này đang bị tàn phá do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp của Ủy ban Di sản thế giới do Trung Quốc chủ trì hồi tuần trước, các đại biểu đã bỏ phiếu thông qua quyết định tạm thời không đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách nguy cấp.
Tuy nhiên, các đại biểu kêu gọi Australia thường xuyên báo cáo công tác bảo tồn Great Barrier, đồng thời đề nghị UNESCO cử một nhóm chuyên gia tới đánh giá triển vọng phục hồi của rạn san hô lớn nhất thế giới này.
Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley đã hoan nghênh việc các đại biểu tham dự cuộc họp ghi nhận nỗ lực của nước này trong việc bảo vệ rạn san hô Great Barrier.
Tháng trước, UNESCO đã khuyến nghị hạ cấp danh hiệu Di sản thế giới đối với rạn san hô Great Barrier do địa điểm này đang bị hủy hoại nhanh do tình trạng Trái Đất ấm lên.
[Australia phản đối việc Great Barrier vào danh sách "gặp nguy hiểm"]
Tuy nhiên, Chính phủ Australia đã phản đối mạnh mẽ, cho rằng đề xuất của UNESCO sẽ tác động tiêu cực tới ngành du lịch nước này.
Trải dài khoảng 2.400km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, các mức nhiệt cao kỷ lục gây ra các đợt tẩy trắng san hô vào các năm 2016 và 2017 đã làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản. Điều này có nghĩa là khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt đã bị tổn thương./.