Rào cản cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của ASEAN

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, vẫn có những lo ngại được đặt ra liên quan tới khả năng của ASEAN trong việc đạt được các mục tiêu của kế hoạch về hợp tác năng lượng 2016-2025.
Rào cản cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của ASEAN ảnh 1ASEAN đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 23%. (Nguồn: eastasiaforum.org)

Kamonphorn Kanchana, Giảng viên Đại học Chiang Mai Thái Lan, vừa có bài viết đăng tải trên Diễn đàn Đông Á với nội dung nhận định giai đoạn 1 của Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2016-2025 sẽ kết thúc vào năm 2020.

Trong bối cảnh đó, các chiến lược then chốt của kế hoạch này tập trung vào việc nâng cấp mạng lưới điện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), công nghệ than sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân dân dụng, trong một số các lĩnh vực khác.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, vẫn có những lo ngại được đặt ra liên quan tới khả năng của ASEAN trong việc đạt được các mục tiêu của kế hoạch.

Rào cản về chính sách

Đến năm 2025, nhu cầu năng lượng của ASEAN dự kiến sẽ tăng khoảng 50%, trong đó hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong nguồn cung năng lượng cơ bản lên mức 23%.

Theo Báo cáo Dự báo Năng lượng Đông Nam Á năm 2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng cơ bản của khu vực hiện chiếm tỷ lệ 15%.

[Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 37]

Mục tiêu trong vòng 5 năm tới là 23%, chủ yếu liên quan đến việc chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hiện đại - một quá trình đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải thiết lập kế hoạch và có nguồn vốn đáng kể để phát triển hạ tầng.

Mặc dù trên thực tế, hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều được biết đến là có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, khu vực này vẫn phụ thuộc nặng nề vào tài nguyên năng lượng hydrocarbon.

Điều này một phần là do nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo tập trung nhiều tại một số quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, đối với các quốc gia nhập khẩu năng lượng, năng lượng từ hydrocarbon thường có giá cả phải chăng hơn.

Bối cảnh năng lượng cụ thể của từng quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là một rào cản chính cản trở mục tiêu xây dựng chính sách năng lượng tích hợp trên cơ sở khu vực.

Chính sách năng lượng của các quốc gia phát triển và đang phát triển tại Đông Nam Á có sự phân tầng đáng kể. Các quốc gia có hệ thống năng lượng phát triển và các ngành công nghiệp hoạt động đầy đủ mọi chức năng đã không còn coi việc tiếp cận toàn quốc đối với dịch vụ năng lượng hiện đại là vấn đề an ninh năng lượng thiếu yếu.

Trong khi đó, các nước đang phát triển thường không sẵn sàng theo đuổi đầu tư năng lượng sạch được xã hội và môi trường chấp thuận, vì tỷ lệ điện khí hóa tại các nước này còn thấp và một tỷ lệ đáng kể nguồn cung năng lượng sơ cấp vẫn dựa trên dòng nhiên liệu sinh khối truyền thống (than, củi...).

Một vài quốc gia thành viên ASEAN đã đặt ra mục tiêu năng lượng tái tạo riêng của mình và ban hành các chế tài quy định để giảm thiểu khí thải.

Các nước còn lại vẫn tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề năng lượng như nghèo năng lượng hay khả năng chi trả của ngành năng lượng trong nước.

Trong bối cảnh đó, ASEAN cần phải tìm ra một chiến lược nhằm khuyến khích sự chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, bằng cách tính đến bối cảnh năng lượng cụ thể của từng quốc gia. Nếu không mục tiêu 23% sẽ chỉ rơi vào một số quốc gia, thay vì là một nỗ lực chung của cả khu vực.

Rào cản về nhận thức

Một rào cản khác ảnh hưởng tới khả năng đạt được các mục tiêu năng lượng của ASEAN là nhận thức về mối đe dọa đối với an ninh năng lượng.

Khái niệm an ninh năng lượng được định nghĩa xuất phát từ việc đảm bảo nguồn cung hydrocarbon - một trò chơi “mất-còn” giữa các quốc gia.

Nguồn năng lượng mà các quốc gia sở hữu càng lớn, khả năng đảm bảo cho hệ thống và ngành năng lượng của quốc gia đó càng nhiều. Các mối đe dọa về nhận thức, do đó có liên quan tới sự gián đoạn nguồn cung, bao gồm sự thiếu hụt nguồn cung vật chất, sự phụ thuộc quá mức vào các nguồn năng lượng bên ngoài, đến mức thương mại năng lượng trở thành vũ khí chính trị, hoặc nền kinh tế không đủ khả năng để chi trả cho một mức giá năng lượng nhập khẩu cao hơn.

Nhận thức về an ninh năng lượng đang gây cản trở cho sự hợp tác. Do tỷ lệ năng lượng tái tạo trong nguồn cung năng lượng cơ bản của Đông Nam Á vẫn còn rất ít, những bàn thảo về an ninh năng lượng thường được thúc đẩy và định hình dựa trên nguồn năng lượng hóa thạch thông thường.

Các quốc gia không chắc chắn về ý định của quốc gia khác. Ngoài ra, các quốc gia cũng thường xem xét việc đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở năng lượng của nước mình có phải là cách mà các quốc gia nước ngoài thực thi quyền lực và can thiệp vào các vấn đề nội địa khác hay không? Điều này giải thích tại sao độc lập năng lượng luôn là một mục tiêu chính sách quan trọng.

Trong bối cảnh đó, ASEAN phải tìm ra chiến lược thúc đẩy niềm tin lẫn nhau trong khuôn khổ an ninh năng lượng khu vực, để hợp tác có thể thực sự phát triển.

Bất kỳ chiến lược nào nhằm mục đích chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn ở cấp quốc gia hoặc khu vực đều sẽ thất bại nếu không có sự hợp tác khu vực.

Cơ cấu quyền lực khu vực hiện tại - tập trung vào các cường quốc mới nổi trong khu vực và những chủ thể có liên quan trong lĩnh vực năng lượng khu vực - đóng vai trò như một rào cản đối với sự hợp tác.

Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các chính sách dân túy để đảm bảo năng lượng giá rẻ, thương mại năng lượng nước ngoài trong khu vực đã tiếp tục mở rộng.

Mặc dù điều này tăng cường sự kết nối của ASEAN trong lĩnh vực năng lượng, nhưng nó cũng góp phần tạo ra cấu trúc quyền lực năng lượng khu vực.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã tiến hành đầu tư vào các nước láng giềng, nơi sản lượng phát điện có thể được nhập trở lại các nước đầu tư. Động thái đầu tư của Thái Lan tại Lào là một trong những ví dụ điển hình đang gây lo ngại.

Loại hình đầu tư năng lượng nước ngoài như vậy đã dẫn đến một bức tranh méo mó về phát triển năng lượng trong khu vực. Năng lượng điện được tạo ra để phục vụ xuất khẩu cho các nhà đầu tư và người dân địa phương phải trả một cái giá sử dụng điện cao hơn cho chính dòng điện được tạo ra trong nước nhưng được đầu tư bởi các tác nhân nước ngoài.

Trong khi các nước nhận đầu tư được hưởng một phần gia tăng năng lượng tái tạo, trong nguồn cung cấp năng lượng chính của quốc gia, thì người dùng cuối của dòng năng lượng tái tạo này lại ở một quốc gia láng giềng.

Giai đoạn 1 của APAEC đòi hỏi “một lộ trình với các chính sách rõ ràng” về thương mại điện, nhưng việc thương mại hóa và tiếp thị các công nghệ năng lượng tái tạo đã khiến tình hình hiện nay trở nên phức tạp hơn nhiều.

Không có lộ trình với các chính sách rõ ràng và không có hướng dẫn nào đề cập đến việc quản trị tốt hơn cho thương mại và đầu tư năng lượng trong khu vực. ASEAN cần chú ý tới sự phát triển của các cường quốc mới nổi phía sau, thường bị lu mờ bởi các cường quốc lớn hơn trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục