Một nhóm nhà khoa học thuộc Tổ chức Khảo sát Nam Cực và Đại học Reading của Anh ngày 17/3 thông báo họ đã làm sống lại một đám rêu bị chôn sâu dưới lớp băng vĩnh cửu tại Nam Cực hơn 1.500 năm trước.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology (Sinh vật học ngày nay) của Mỹ, các nhà khoa học đã tiến hành khoan sâu vào các bờ rêu tại Nam Cực và lấy các mẫu rêu bị đóng băng phía dưới để tiến hành nghiên cứu trong môi trường ấm áp hơn.
Các đám rêu này đã được đặt vào một lồng ấp, với nhiệt độ và ánh sáng ổn định nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của rêu. Kết quả cho thấy các đám rêu này đã bắt đầu sinh sôi, phát triển sau một vài tuần.
Chuyên gia Peter Convey, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết kết quả này là một bất ngờ lớn bởi trước đó các nhà khoa học tin rằng rêu chỉ có thể sống lại sau khoảng thời gian lâu nhất là 20 năm. Sự kiện này cũng được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với hệ sinh thái và khí hậu tại Nam Cực, bởi rêu có chức năng lưu giữ phần lớn lượng carbon cố định (còn gọi là carbon không bay hơi).
Một nghiên cứu khác công bố hồi đầu tháng này cho thấy thực thể có thể sống lại sau một thời gian kỷ lục hơn 30.000 năm là loại virus khổng lồ nhưng vô hại - có tên khoa học là Pithovirus sibericum.
Kết quả nghiên cứu này là lời cảnh báo rằng những nguồn bệnh chưa được biết tới, bị chôn vùi dưới lớp đất đóng băng, có thể sẽ "tỉnh giấc" dưới tác động của quá trình Trái Đất ấm lên./.