Wayne Rooney vừa phá kỷ lục của huyền thoại Sir Bobby Charlton về số bàn thắng ghi cho đội tuyển Anh sau cú phạt đền thành công vào lưới của Thụy Sĩ tại trận đấu thuộc vòng loại EURO 2016. Thế nhưng kỷ lục có thật sự là kỷ lục?
Chỉ giỏi phá lưới... San Marino
“Nhân dịp” Rooney phá kỷ lục, báo chí Anh đã điểm lại cả 50 bàn thắng của Wazza cho Tam sư kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 2002. Thống kê cho thấy có thể sẽ khiến không ít người bật cười, đối thủ ưa thích nhất của Rooney trong màu áo tuyển Anh chính là... San Marino với 5 lần chọc thủng lưới trong toàn bộ sự nghiệp, sau San Marino là Croatia với 4 lần.
Đối thủ lớn duy nhất Rooney chọc thủng lưới dưới dạng số nhiều là Brazil với 2 bàn, dĩ nhiên không bàn nào trong số đó đến ở các kỳ World Cup. Vì cả sự nghiệp “tiền đạo vĩ đại nhất” tuyển Anh mới chỉ có vỏn vẹn... 1 bàn thắng tại các kỳ World Cup.
Những con số hiển nhiên không biết nói dối, việc chỉ giỏi ghi bàn vào lưới các đội bóng nhỏ và nhỡ đã tạo ra hệ quả lớn cho tuyển Anh với Rooney là đầu tàu - "Tam Sư" chưa từng tạo ra điểm nhấn nào đáng kể trong suốt nhiều năm qua trên đấu trường châu lục. “Chiếc áo” mang tên bàn thắng rõ ràng không thể tạo nên “thày tu” Rooney.
Tiền đạo của Manchester United chẳng là gì nếu so với những bậc tiền bối trong lịch sử Tam Sư. Chưa kể tới Sir Bobby Charlton, so với Paul Gascoigne, người được xem là tương tự Rooney nhất thì tiền đạo trưởng thành từ Everton không có cửa để bì về tầm quan trọng và ảnh hưởng tới đội tuyển quốc gia.
“Tam sư” có Gascoigne đã lọt vào tới bán kết World Cup 1990 và Euro 1996, những giải đấu mà Gazza đều tỏa sáng rực rỡ với nhãn quan chiến thuật và cả cá tính rất riêng biệt.
Hơi quá đáng nhưng thành thích mỹ miều “Chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử” của Rooney thực chất là do... đá nhiều thì được chứ chẳng mang ý nghĩa lịch sử nào. Sir Bobby Charlton là huyền thoại số một lịch sử Tam Sư vì ông đưa đội tuyển Anh vô địch World Cup lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử.
Charlton đã chơi cân kèo với “Hoàng đế” Franz Beckenbauer trong trận chung kết, thắng trực tiếp tay đôi với “Báo đen” Eusebio tại bán kết. Ba bàn của Charlton trong chiến dịch World Cup 1966 năm đó có giá trị bằng tất cả số bàn thắng của Rooney ở thời điểm hiện tại!
Bóng đá không phải là môn thể thao có thể định nghĩa theo kiểu “Cứ đi nhiều thì thành đường thôi” của Lỗ Tấn, cầu thủ vĩ đại vì những bàn thắng vĩ đại. Và Rooney thì không sở hữu bất kỳ điều gì trong số đó.
Kỷ lục bùng nổ, nguyên nhân vì đâu?
Không chỉ riêng trường hợp Rooney, bóng đá hiện tại cũng đang chứng kiến rất nhiều trường hợp “phá kỷ lục” theo cách tương tự như trường hợp ngôi sao của Man United, Neymar của Brazil đang là ví dụ điển hình cho điều ấy.
Ở độ tuổi 23, tiền đạo của Barcelona đã có 46 bàn thắng cho đội tuyển Brazil, đứng thứ 5 trong danh sách các chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Selecao, xếp trên Rivaldo, Bebeto và chỉ sau “bộ tứ bất tử” Pele, Ronaldo, Romario và Zico.
Lukas Podolski là trường hợp thứ hai, tiền đạo người Đức hiện đang đứng thứ... ba trong lịch sử các chân sút vĩ đại nhất lịch sử Đức với 48 bàn, chỉ kém Miroslav Klose và Gerd Muller, hai kỷ lục gia của Die Mannschaft tại đấu trường World Cup, và xếp trên cả những huyền thoại như Jurgen Klinsmann, Uwe Seeler hay Karl-Heinz Rummenigge.
Điểm chung của cả Podolski, Neymar lẫn Rooney đều là việc ra mắt đội tuyển quốc gia từ khi còn rất trẻ, chính điều này biến số trận phục vụ đội tuyển của bộ ba này trở nên dài hạn. Cộng với việc ở thời điểm hiện tại, những trận giao hữu vì mục đích kinh tế xuất hiện nhan nhản và tạo ra những bàn thắng vô nghĩa trong các trận giao hữu.
Thêm nữa, việc xuất hiện càng nhiều các quốc gia mới cũng góp phần tạo ra “cơn bão kỷ lục” như hiện tại, những đất nước nhỏ bé như San Marino, Gibraltar, Luxembourg, Azerbaijan... thành lập các đội tuyển bóng đá nam tham dự vòng loại EURO dường như chỉ mang tính tham khảo.
Những trận thua trên 8 bàn cách biệt xuất hiện liên tục, thành thử các cầu thủ có thể dễ dàng ghi tới 20 bàn thắng trong toàn bộ thời gian khoác áo đội tuyển quốc gia chỉ nhờ các trận đấu như vậy.
Trong quá khứ, khi các quốc gia vẫn còn chưa tách ra như hiện tại, ghi bàn ở cấp đội tuyển quốc gia là điều rất khó. Những đội tuyển quốc gia như Nam Tư, Liên Xô cũ đều cực mạnh, Bulgaria, Romania, Thụy Điển hay Đan Mạch đều không rơi vào tình trạng yếu thế như hiện tại mà ngược lại đều tạo thành đối trọng thực sự với các ông lớn tại châu Âu và cả thế giới.
Thời đại qua đi với những biến đổi về chính trị xã hội thay đổi kéo theo sự tan rã của các đất nước như Liên Xô hay Nam Tư đã tạo ra nhiều quốc gia mới với những đội tuyển quốc gia mới.
Luật Bosman ra đời làm gia tăng quyền lợi cho cầu thủ nhưng suy giảm đi sức mạnh cục bộ của các câu lạc bộ, làm các đội tuyển quốc gia như Đan Mạch, Bulgaria yếu đi trông thấy.
Thời đại càng hiện đại, những thay đổi không thể tránh khỏi đến và đã vô hình trung biến giá trị cơ bản nhất của bóng đá, bàn thắng, trở thành thứ yếu ở các trận đấu cấp độ đội tuyển quốc gia. Vì vậy những kỷ lục một thời giờ cho dù bị phá thì cũng trở thành điều bình thường mà thôi./.