Rừng nguyên sinh đem lại nhiều lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học

Theo các nhà nghiên cứu, Rừng nguyên sinh, bao gồm sự kết hợp của các loài cây thân gỗ, cây bụi, cây cỏ khác nhau, tốt hơn rừng nhân tạo với một số loài cây hạn chế.
Rừng nguyên sinh đem lại nhiều lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học ảnh 1Vườn quốc gia Pù Mát. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Các khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú nên được ưu tiên để bảo tồn hệ sinh do có thể lưu trữ nhiều carbon hơn, cung cấp nhiều nước hơn và chống xói mòn đất cũng như bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn là trồng cây đơn thuần. Đây là kết luận trong một nghiên cứu mới được đăng tải trực tuyến trên tạp chí Science.

Các nhà nghiên cứu của 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Anh và Brazil, đã đánh giá gần 26.000 hồ sơ dựa trên 264 cuộc khảo sát thực địa tại 53 quốc gia. Họ phát hiện ra rằng không phải tất cả các phương pháp phục hồi rừng đều mang lại kết quả như nhau.

Rừng nguyên sinh, bao gồm sự kết hợp của các loài cây thân gỗ, cây bụi, cây cỏ khác nhau, tốt hơn rừng nhân tạo với một số loài cây hạn chế trong dịch vụ hệ sinh thái như lưu trữ carbon, chống xói mòn đất và cung cấp nước.

Theo các nhà nghiên cứu, công tác chống xói mòn đất chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc phục hồi rừng bằng cách trồng cây, trong khi việc cung cấp nước gặp nhiều khó khăn tại các vùng khí hậu khô hay những vùng khan hiếm nước.

[Xử lý nghiêm nạn phá rừng, khai thác cát trái phép gây sạt lở]

Cũng theo nghiên cứu, hoạt động trồng cây đem lại lợi ích sản xuất gỗ, nhưng không hữu ích bằng khôi phục rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học. Nghiên cứu chỉ ra rằng đối với nhiều đồn điền cũ hoặc bị bỏ hoang trên khắp thế giới không còn được sử dụng để sản xuất gỗ, việc khôi phục chúng thành rừng tự nhiên sẽ đem lại những lợi ích lớn hơn cho môi trường.

Theo đó, các tác giả nghiên cứu khuyến nghị nên phục hồi rừng tự nhiên để giúp bảo tồn sự đa dạng sinh học tốt hơn. 

Đây là nghiên cứu toàn cầu đầu tiên so sánh hiệu quả của hai phương pháp chính phục hồi rừng. Nghiên cứu được công bố nhân Ngày Quốc tế bảo vệ rừng (21/3)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục