Rừng phòng hộ Đại Ninh bị tàn phá với tốc độ "chóng mặt"

Tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt cây, ken gốc thông diễn ra phổ biến và có dấu hiệu ngày càng “nóng” ở Lâm Đồng nhưng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương lại tỏ ra lúng túng.
Rừng phòng hộ Đại Ninh bị tàn phá với tốc độ "chóng mặt" ảnh 1(Ảnh minh họa: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

Thời gian gần đây, những cánh rừng thông thuộc khu vực rừng phòng hộ hồ Đại Ninh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị xâm hại nghiêm trọng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt cây, ken gốc thông diễn ra phổ biến và có dấu hiệu ngày càng “nóng,” nhưng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương lại tỏ ra lúng túng.

Vô tư phá rừng

Những ngày cuối tháng Chín, các khu rừng nằm trên địa bàn hai xã Tà Hine và Đà Loan xuất hiện những cây thông nằm ngổn ngang, có gốc thông còn ứa nhựa, những vạt rừng trơ đất đá bạc màu. Có những điểm phá rừng nằm ven lòng hồ Đại Ninh, có điểm chỉ cách Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine vài trăm mét.

Theo tìm hiểu, những cánh rừng phòng hộ bị phá thuộc tiểu khu 363, 364, chịu sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đại Ninh và lâm phần của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh.

Đi sâu vào trong rừng, qua khu vực thác Bảo Đại (xã Tà Hine), đoạn gần lòng hồ Đại Ninh, cả một khu rừng thông bị chặt trắng, ước tính khoảng 2.000m2. Những nơi đã chặt xong có vài ba người đang đào hố để chuẩn bị trồng càphê, ngô.

Trời nhá nhem tối, chúng tôi quyết định ở lại trong thôn B’Liang, xã Tà Hine để “mục sở thị” việc vận chuyển gỗ thông. Vào nửa đêm, tiếng máy nổ của xe máy cày kéo những khúc gỗ thông về thôn làm mất giấc ngủ của mọi người. Ngang nhiên hơn, những khúc gỗ thông này còn được vận chuyển về gần nhà mẫu giáo của thôn B’Liang, xã Tà Hine để xẻ nhỏ, rồi đưa đi tiêu thụ nhưng không có bất kỳ lực lượng nào ngăn chặn, xử lý.

Trong khi đó, con đường mòn nối xã Tà Hine với xã Đà Loan và Quốc lộ 28B, đoạn nối ngã ba Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với Lương Sơn (Bình Thuận) có điểm cây ngã đổ hàng loạt, nằm la liệt khắp nơi, từ sườn núi đến tận đỉnh đồi.

Men theo con đường đá gập ghềnh vào tiểu khu 364 (đoạn nằm gần nhà máy sản xuất gạch), hai bên đường có rất nhiều gốc cây lớn khoảng 40-50cm bị đốn hạ. Những vạt rừng thông mênh mông với hàng chục, thậm chí hàng trăm thân cây chết đứng, có gốc còn ứa nhựa thông. Nhiều cây thông lớn đã được xẻ gỗ để chuyển đi, dấu cưa vẫn còn tươi mới. Có nơi cả đồi thông đã bị “cạo trắng,” cây cối ngổn ngang.

Lực lượng chức năng bó tay?

Phần lớn rừng ở Đức Trọng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn cho công trình thủy lợi Đại Ninh và một số diện tích rừng nguyên sinh, rừng sản xuất, nằm trên địa bàn các xã Ninh Gia, Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng do Ban quản lý rừng Đức Trọng và Đại Ninh quản lý.

Theo Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Đức Trọng giai đoạn 2014-2020, diện tích đất lâm nghiệp trên 42.200ha, trong đó rừng phòng hộ khoảng 18.400ha và rừng sản xuất trên 23.000ha được giao cho các đơn vị chủ rừng quản lý như Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, Ninh Gia, Tà Năng.

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, tính từ đầu năm đến tháng 9/2015, có 36 vụ với trên 300.000m2 rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý bị phá. Hạt kiểm lâm huyện đã chuyển hồ sơ cho Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine nhưng đến nay chưa được xử lý. Tương tự, tại phần diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng quản lý, 9 tháng qua có 28 vụ phá rừng với diện tích bị phá là 10.800m2.

Lý giải việc rừng bị phá ngay gần trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, trụ sở ban quản lý rừng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Hine Vũ Xuân Mừng cho rằng các đối tượng phá rừng vào ban đêm nên rất khó bắt được thủ phạm.

"Các đối tượng phá rừng chỉ cần một cái cưa máy và thuốc sâu bơm vào gốc cây là có thể phá cả ha rừng. Hiện nay, chính quyền địa phương đã có văn bản gửi huyện Đức Trọng để hoàn tất hồ sơ chờ xử lý,” ông Mừng cho biết thêm.

Trong khi đó, nhiều người dân trong xã Tà Hine bức xúc cho rằng tình trạng mất rừng ở Tà Hine là do có sự bao che của các cán bộ thôn, cán bộ kiểm lâm trên địa bàn xã, nên gỗ được vận chuyển đưa về trong xã mà không ai xử lý.

Rừng bị phá với tốc độ chóng mặt, nhưng chính quyền địa phương lại phản ứng chậm, có chiều hướng buông xuôi bất lực, không có giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để vấn nạn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục