Rừng tràm nước phèn Hậu Giang thành khu du lịch sinh thái lớn nhất

Một rừng tràm lung bầu nước phèn ở Hậu Giang đang trở thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 150ha. Dự kiến mở cửa đó khách thăm quan vào năm 2018.
Khu du kịch sinh thái Việt-Úc. (Nguồn: dailytravelvietnam.com)

Một rừng tràm lung bầu nước phèn tại Hậu Giang đang dần trở thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 150ha.

Dự án triển khai xây dựng từ năm 2009, dự kiến mở cửa đón khách thăm quan vào năm 2018.

Vùng này trước đây là khu lung bầu ngập nước nhiễm phèn nặng của huyện Vị Thủy, ngoài cây tràm không loại cây trồng nào thích nghi được với đất đai tại đây.

Từ khi thực hiện Dự án khu du lịch sinh thái Việt-Úc Hậu Giang, Công ty Việt-Úc Hậu Giang đã thực hiện nhiều biện pháp cải tạo đất bằng cách nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bón vôi rửa phèn để hình thành nên khu trồng cây ăn quả đặc sản Nam bộ như măng cụt, sầu riêng, mãng cầu xiêm, nhãn, ổi, mít, thanh long, bình bát, dừa..., với diện tích 13ha, dự kiến sẽ tiếp tục trồng thêm cây ăn quả trên 35ha.

Các loại cây này trồng theo từng khu riêng biệt nằm dọc các kênh, mương trong khu du lịch để du khách có thể nhìn ngắm khi di chuyển bằng thuyền, có thể lên từng khu để thăm quan và tự tay thu hoạch quả chín.

Điểm nhấn của khu du lịch sinh thái là vườn chim tự nhiên rộng 10ha với các loại chim, cò đặc trưng vùng sông nước miền Tây như cò trâu, cò ngà, vạc, le le, cồng cộc, vịt trời; khu nuôi động vật hoang dã có heo rừng, trăn, ong lấy mật; các kênh mương được thả nhiều loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá thát lát, cá phi... Đây là nguồn cá để du khách trải nghiệm các hoạt động câu cá, đặt lờ, trúm, giăng lưới cũng như thưởng thức các loại cá sống trong môi trường tự nhiên.

Các loại cây trồng, vật nuôi trong khu du lịch đều có mối liên hệ với nhau: cây bình bát trồng ven kênh, rạch có quả chín sẽ rụng xuống nước làm nguồn thức ăn cho cá, các loại quả khác nếu du khách thu hoạch không hết sẽ được tận thu làm nguồn thức ăn cho trăn, heo rừng và các loài động vật hoang dã khác.

Cây dừa không chỉ cung cấp bóng mát, quả để uống nước mà còn thu hoạch lấy củ hủ dừa (phần lõi nằm phía trong ngọn cây) để ăn sống hoặc chế biến các món gỏi đặc sản Nam Bộ. Toàn bộ khu du lịch sinh thái được bao bọc, bảo vệ bởi hàng rào tre xanh, có thể tận thu măng để chế biến thức ăn cho du khách.

Tại khu du lịch sinh thái Việt-Úc, du khách có nhiều loại hình lưu trú để lựa chọn, trong đó có khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu nhà sàn làm bằng gỗ, lợp lá dừa hoặc nghỉ tại phòng trên du thuyền di chuyển dọc các dòng kênh, rạch trong khu du lịch.

Ngoài lợi thế về diện tích rộng lớn có thể trồng nhiều loại cây ăn quả và nhiều hạng mục dịch vụ, hệ thống kênh, mương được đào đan xen nhau, khu du kịch sinh thái Việt-Úc còn có lợi thế lớn về vị trí vì khu vực này chỉ cách 50km so với thành phố Cần Thơ - trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có sân bay Cần Thơ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách từ khắp nơi trong cả nước và khách quốc tế.

Ông Phan Phước Thọ, Phó Giám đốc Công ty Việt-Úc Hậu Giang cho biết khi thực hiện dự án, Công ty chú trọng đến chất lượng và độ an toàn của các dịch vụ đối với du khách, vì vậy đã trồng các loại cây ăn quả từ sớm để có độ cao và tán rộng ổn định, được trồng hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để du khách thu hoạch và thưởng thức ngay tại vườn.

Ngoài ra, dịch vụ vận chuyển bằng du thuyền, ghe, xuồng, lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nhất cho di khách tại khu du lịch sinh thái.

Về lâu dài, khi đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái Việt-Úc sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương thực hiện các công việc trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn du khách chèo ghe, xuồng, đánh bắt cá và các dịch vụ ăn uống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục