Khi ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định liên quan đến biến đổi khí hậu từ người tiền nhiệm Barack Obama hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố văn kiện này sẽ chấm dứt "cuộc chiến với than đá" tại Mỹ, mở ra kỷ nguyên mới về sản xuất năng lượng và mang việc làm trở lại cho các thợ mỏ.
Tuy nhiên, các công ty điện lực - vốn là khách hàng lớn nhất của ngành khai thác than đá của Mỹ - lại tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch này.
Hãng tin Reuters đã tiến hành khảo sát 32 công ty điện lực. Đây là các công ty hoạt động tại 26 bang từng đệ đơn kiện yêu cầu cựu Tổng thống Obama hủy bỏ Kế hoạch Năng lượng sạch (CPP), mục tiêu chính trong sắc lệnh của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, đa số các công ty này cho biết họ không có kế hoạch thay đổi kế hoạch dài hạn về cắt giảm sử dụng than đá đã triển khai trong nhiều năm qua.
Cụ thể, trong số 32 công ty được phỏng vấn, 10 công ty nhận định sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của họ, 5 công ty cho biết đang đánh giá các tác động của sắc lệnh mới, 6 nơi không đưa ra bình luận, và chỉ có 1 công ty cho biết sẽ gia hạn hoạt động của một số nhà máy sử dụng nhiên liệu than đá.
Các công ty này đưa ra nhiều lý do, chủ yếu về mặt kinh tế. Theo họ, khí đốt tự nhiên - "đối thủ" cạnh tranh lớn nhất của than đá - đang có nguồn cung phong phú và giá thành ngày càng rẻ hơn, chi phí năng lượng gió và Mặt Trời cũng đang giảm, các quy định về môi trường của các bang vẫn chưa thay đổi, trong khi sắc lệnh của Tổng thống Trump có khả năng không thể vượt qua các rào cản pháp lý để đưa vào áp dụng.
Nhiều công ty tham gia cuộc khảo sát của Reuters cho biết họ đã và đang tập trung giảm khí thải carbon trong suốt thập kỷ qua và không muốn thay đổi hướng đi này chỉ do có sự biến động đường hướng chính sách tại Washington.
Theo ông Tom Gauntt, người phát ngôn của công ty điện lực Pacificorp, kế hoạch phát triển của các công ty điện lực thường đặt ra tầm nhìn dài hạn hơn so với các nhiệm kỳ tổng thống.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn chủ trương ủng hộ chống biến đổi khí hậu, đơn cử như Quỹ Thịnh vượng Na Uy, đang tạo áp lực lên các công ty điện lực mà họ nắm cổ phần để thúc đẩy việc cắt giảm sử dụng than đá.
Trong năm ngoái, Quỹ Thịnh vượng Na Uy đã ngừng đầu tư vào hàng chục công ty điện lực, bao gồm những cái tên lớn như Xcel, American Electric Power Co Inc và NRG Energy Inc, vì chính sách ủng hộ than đá của những công ty này. Quỹ này cũng cho biết 8 cái tên khác đang nằm trong danh sách "quan sát."
CPP là một nỗ lực quan trọng của cựu Tổng thống Obama trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo kế hoạch này, vào năm 2030, tất cả các bang của nước Mỹ sẽ phải cắt giảm mức khí thải carbon của các nhà máy phát điện đang hoạt động xuống mức thấp hơn 30% so với mức khí thải của năm 2005.
Than đá là nguồn nhiên liệu chính của các nhà máy phát điện trong thế kỷ 20, tuy nhiên hoạt động sử dụng nguồn nhiên liệu này đã giảm hơn 30% từ năm 2008, đặc biệt sau khi ngành khí đốt tự nhiên đạt nhiều cải tiến trong hoạt động khai thác. Hàng trăm nhà máy phát điện dùng than đá trên khắp nước Mỹ đã phải ngừng hoạt động hoặc cải tiến để bắt kịp xu hướng mới./.