Sách mới của Ngô Tự Lập lật lại 'vụ đạo văn thiên niên kỷ'

Điều đáng ca ngợi ở Ngô Tự Lập là khả năng trình bày cực kỳ trong sáng, khiến cho tất cả những điều trừu tượng, phức tạp trong triết học ngôn ngữ Voloshinov trở nên dễ hiểu.
Sách mới của Ngô Tự Lập lật lại 'vụ đạo văn thiên niên kỷ' ảnh 1Bìa sách 'Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin' của Ngô Tự Lập.

Ngô Tự Lập không phải là một tác giả thời thượng, nhưng bất cứ tác phẩm nào của ông, dù là thơ, truyện, nghiên cứu, dịch thuật, âm nhạc hay báo chí, đều chứa đựng một cái gì đó để người ta phải nhớ và suy ngẫm.

Nhưng cuốn sách mới nhất của ông, "Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin," thậm chí còn hơn thế. Nó đem đến một sự thay đổi nhận thức rất quan trọng về những ý tưởng thuộc loại cách tân nhất, gắn liền với những tên tuổi thuộc loại nhiều ảnh hưởng nhất trong khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ 20. Đó là Voloshinov, Medvedev và Bakhtin.

Cuốn sách cho thấy Voloshinov, cùng với Medvedev, không phải là học trò của Bakhtin, mà chính là hai nhà tư tưởng kiệt xuất, những cha đẻ của chủ nghĩa Hậu hiện đại.

Ngoài lời nói đầu (“Cơn mê sảng tập thể”), cuốn sách có ba chương lớn. Cả ba chương đều rất thú vị và rất bổ ích.

Trọng tâm của cuốn sách, đúng như tên sách, là chương sau cùng, “Từ ngôn ngữ học đến siêu ngôn ngữ học,” bàn về triết học ngôn ngữ của Voloshinov và vai trò của ông như là người đặt nền móng cho Ngữ dụng học, Nguyên lý đối thoại, lý thuyết về Liên văn bản, Tiểu thuyết phức điệu, Thể loại lời nói, Diễn ngôn và phân tích diễn ngôn.

Điều này thực ra đã được nhiều học giả trên thế giới khẳng định. Chẳng hạn, Lilie Chouliaraki và Norman Fairclough, những trụ cột của lý thuyết Phân tích diễn ngôn phê phán (Critical Discourse Analysis), khẳng định trong cuốn "Discourse in Late Modernity: Rethinking Critical Analysis": "... Cơ sở cho quan điểm biện chứng như vậy về diễn ngôn và ngôn ngữ được Voloshinov đặt nền móng trong cuốn sách tuyệt vời viết vào thập niên 1920 [tr. 48].

Cuốn sách họ nói đến là Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ xuất bản năm 1929, nhưng ngay từ năm 1926, Voloshinov đã có một tiểu luận tuyệt hay về vấn đề này nhan đề "Diễn ngôn trong đời sống và diễn ngôn trong thơ."

Đó là văn bản đầu tiên trên thế giới sử dụng thuật ngữ “Diễn ngôn” thay cách hiểu ngày nay. Tiểu luận thuộc loại quan trọng nhất trong lịch sử ngôn ngữ học thế giới này được Ngô Tự Lập dịch và giới thiệu trong phần “Phụ lục” cùng với một tiểu luận đặc sắc khác, đó là "Cấu trúc phát ngôn," được Voloshinov công bố vào năm 1930.

Sách mới của Ngô Tự Lập lật lại 'vụ đạo văn thiên niên kỷ' ảnh 2Sách mới của Ngô Tự Lập lật lại 'vụ đạo văn thiên niên kỷ' của Bakhtin, Voloshinov và Medvedev.

Xuất phát điểm của những ý tưởng cách mạng trong triết học ngôn ngữ Voloshinov là luận điểm về bản chất ký hiệu của toàn bộ đời sống tư tưởng và sự phân biệt tinh tế giữa tín hiệu và ký hiệu. Chúng ta hãy lấy ví dụ của Ngô Tự Lập. Màu đen và màu trắng tự nó đơn thuần chỉ là những hiện tượng vật lý, nhưng trong những hệ quy chiếu kỹ thuật nhất định, chúng trở thành những tín hiệu: là “tắt” hay “bật” trong hệ thống chiếu sáng; là “ngày” hay “đêm” trong bảng chỉ dẫn thời gian; là “đóng” hay “mở” cửa sổ trên máy bay; là “quân đen” hay “quân trắng” trên bàn cờ...

Thông tin của tín hiệu luôn ổn định, chỉ phụ thuộc vào ý định của người phát tín hiệu và hệ quy chiếu. Nó luôn được mọi người tiếp nhận như nhau trong mọi tình huống. Tuy nhiên, trong một cộng đồng người, các quan hệ xã hội (các định kiến, các quy ước, sự tuyên truyền…) khiến cho màu đen và màu trắng được tiếp nhận như là những ký hiệu xã hội với ý nghĩa khác nhau: đen là xấu, là tiêu cực (phim đen, chợ đen, quỹ đen…), còn trắng là tốt, là tích cực (sách trắng, tấm lòng trong trắng…)

Khác với thông tin của tín hiệu, ý nghĩa của ký hiệu không bao giờ ổn định. Nó không chỉ phụ thuộc vào người phát ký hiệu và hệ quy chiếu, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác: người tiếp nhận, bối cảnh tiếp nhận, mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng tiếp nhận, không gian văn hóa trong đó sự tiếp nhận diễn ra, mối quan hệ giữa các ký hiệu.

Nói cách khác, ý nghĩa của ký hiệu mang tính tình huống, liên nhân, liên ký hiệu, được quy định bởi tình huống cụ thể và bởi khí quyển văn hóa rộng lớn hơn của quá trình giao tiếp xã hội, trong đó sự phát, truyền dẫn và tiếp nhận ký hiệu diễn ra. Tất cả những điều thể hiện rõ trong loại ký hiệu đặc biệt nhất, quan trọng nhất và điển hình nhất, đó là ngôn ngữ.

Điều đáng ca ngợi ở Ngô Tự Lập là khả năng trình bày cực kỳ trong sáng, khiến cho tất cả những điều trừu tượng, phức tạp trong triết học ngôn ngữ Voloshinov trở nên dễ hiểu đối với cả những người không chuyên về ngôn ngữ học.

Không những thế, sự hình thành các ý tưởng cách tân của Voloshinov được Ngô Tự Lập đặt trong bối cảnh học thuật tại Liên Xô thập sau Cách mạng tháng Mười - đó là nội dung của chương hai (“Bối cảnh và tiến trình”). Khi đó, những học giả Liên Xô trẻ tuổi được Chủ nghĩa Marx truyền cảm hứng tự đặt ra cho mình nhiệm vụ xây dựng một nền học thuật và nghệ thuật mới.

Đó là lý do nở rộ của một thế hệ các nhà tư tưởng, nghệ sỹ và nhà nghiên cứu xuất chúng hiếm có trong lịch sử nhân loại. Chúng ta có thể hình dung những nỗ lực của các học giả XôViết trẻ tuổi khi đó như là ba cuộc tấn công và kiến tạo trên ba mặt trận: phê bình văn học, tâm lý học và ngôn ngữ học.

Đầu thế kỷ 20, trường phái tâm lý học thời thượng nhất ở Liên Xô là Học thuyết Freud. Tất cả các trường phái tâm lý học khi đó đều có một đặc điểm bao trùm là xu hướng sinh vật hóa hoặc sinh lý hóa các quá trình tâm lý và do đó bất lực trước các hiện tượng tâm lý học bậc cao.

Công trình đầu tiên của Voloshinov có phê phán các học thuyết tâm lý học là "Bên kia cái xã hội." Về học thuyết Freud (1925), một tiểu luận có thể coi là khúc dạo đầu và về sau được đưa gần như trọn vẹn vào cuốn Học thuyết Freud: một phác thảo phê bình (1927). Cho đến nay, đó vẫn là một trong những công trình phê phán Freud thuyết phục nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Chủ nghĩa hình thức chủ trương nghiên cứu tác phẩm văn chương một cách độc lập với các hệ quy chiếu bên ngoài, coi tác phẩm như là một đối tượng tự thân, tự đủ. Các nhà hình thức chủ nghĩa chia sẻ với Saussaure quan niệm về ngôn ngữ như là một hệ thống mà theo họ chỉ trở thành văn chương nhờ những thủ pháp đặc biệt.

["Những người muôn năm cũ" - giới văn nghệ sỹ Việt nổi tiếng một thời]

Shklovsky lập luận rằng văn học về bản chất là sự "lạ hóa” (остранение, estrangement) ngôn ngữ thường ngày, khiến cho quá trình tiếp nhận bị trì hoãn, và nhờ vậy người đọc có thể tiếp nhận sự vật như thể mới gặp lần đầu. Theo họ, bản chất văn chương nằm ở các “thủ pháp” hình thức của nó.

Ngôn ngữ học của Voloshinov là sự vượt lên trên những hạn chế của ngôn ngữ học cấu trúc kiểu Saussure. Những ý tưởng dạo đầu cho nguyên lý đối thoại, nền tảng của triết học ngôn ngữ Voloshinov, được Yakubinski, người thầy trực tiếp của Voloshinov đưa ra trong công trình công bố năm 1923.

Những ý tưởng này được Voloshinov phát triển trong một loạt công trình quan trọng công bố từ năm 1925 dến 1930, đặc biệt là cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (1929).

Chúng ta sẽ không thể đánh giá hết ý nghĩa của những đóng góp của Ngô Tự Lập nếu không nhắc đến chương thứ nhất (“Huyền thoại và giải huyền thoại Bakhtin”) giới thiệu những nhận thức mới về vấn đề tác quyền của những kiệt tác do Voloshinov và Medvedev, đặc biệt là hai công trình Học thuyết Freud: một phác thảo phê phán (1927) và Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (1929) của Voloshinov và cuốn Phương Pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (1928) của Medvedev.

Medvedev và Voloshinov là hai giáo sư trẻ tuổi, khi đó làm việc tại những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu Liên Xô. Những tư tưởng vượt trước thời đại quá xa của các cuốn sách nói trên khiến cho tác giả của chúng trở thành đối tượng phê phán dữ dội của những người theo phái Marxist giáo điều, bị lãng quên trong mấy chục năm sau khi Voloshinov chết vì lao phổi (năm 1936) và Medvedev bị chính quyền Stalin xử bắn (năm 1938).

Cuối thập niên 1960, các công trình này mới được dịch ra các thứ tiếng phương Tây và có ảnh hưởng cực kỳ to lớn. Nhưng cũng trong thập niên đó, Bakhtin, một người bạn của Medvedev và Voloshinov, bắt đầu tự nhận là tác giả đích thực của chúng. Vì định kiến, giới học giả khắp thế giới nhanh chóng tin tưởng vào huyền thoại này, biến Bakhtin thành một nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất thế giới trong thế kỷ 20.

Nhưng huyền thoại về Bakhtin đã bị nghi ngờ chứa đựng nhiều mâu thuẫn và chỉ dựa trên những tuyên bố của Bakhtin, chứ không hề có bằng chứng. Những nghiên cứu tại Nga và nước ngoài sau khi Liên Xô sụp đổ, đặc biệt là cuốn sách "Bakhtine démasqué-Histoire d’un menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif" (Lột mặt nạ Bakhtin, câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể) của hai tác giả Thụy Sĩ, J-P Bronckart và C. Bota cho phép khôi phục một cách chắc chắn tác quyền và danh dự cho Voloshinov và Medvedev.

Sách mới của Ngô Tự Lập lật lại 'vụ đạo văn thiên niên kỷ' ảnh 3Tác giả Ngô Tự Lập.

Việc này không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức và công lý mà còn, nói như Ngô Tự Lập, “buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức, nói đúng hơn là sự nhận thức lại, ba bình diện học thuật có liên quan chặt chẽ với nhau, về những mâu thuẫn nội tại trong “lý thuyết của Bakhtin; về các hình thái và đóng góp của chủ nghĩa Marx; và về nguồn gốc và sự diễn giải các lý thuyết hậu hiện đại."

Cuốn sách của Ngô Tự Lập được viết với một cách cẩn trọng và cầu thị. Thế mạnh của ông là một phông văn hóa sâu rộng và sự am tường nhiều ngoại ngữ. Ông dường như chăm chú viết cho sinh viên. Bên cạnh những kiến thức mới mẻ, với sinh viên, tức là những người nghiên cứu trẻ, câu chuyện về “cơn mê sảng tập thể” còn là một bài học về tinh thần khoa học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục