Tại hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của ngành công thương chiều 24/12, Sở Công Thương Bến Tre cho biết, 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa đạt 737 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Riêng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 660 triệu USD, bằng 90,41% kế hoạch do các sản phẩm từ dừa như chỉ xơ dừa, kẹo dừa, thạch dừa, dừa trái xuất khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu cả năm của tỉnh.
Công nghiệp chế biến dừa của tỉnh hiện sản xuất hơn 30 mặt hàng; trong đó, nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon… có xu hướng phát triển tốt.
Trong khi đó, các mặt hàng truyền thống như kẹo dừa, chỉ xơ dừa, dừa trái… có xu hướng giảm do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Theo báo cáo, năm 2011 các sản phẩm chế biến từ dừa Bến Tre xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2015 tăng lên con số 105; trong đó thị trường châu Á chiếm 68,85% kim ngạch; thị trường Nhật Bản dẫn đầu với 48,06% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Dừa là một trong những cây chủ lực của Bến Tre, được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển bằng nhiều dự án trong thời gian qua, nhằm tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhờ đó, diện tích dừa Bến Tre tăng mạnh trong 5 năm qua, năm 2011 có 55.870ha, đến năm 2015 lên 68.167ha, sản lượng trên 500 triệu trái, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre cho rằng, giá dừa nguyên liệu những năm qua không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng dừa và gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu.
Do đó, tỉnh cần có chính sách ổn định giá dừa, hạn chế xuất khẩu dừa trái. Đối với một số mặt hàng truyền thống đang gặp khó khăn trong tiêu thụ như thạch dừa, các cơ quan hữu trách cần quản lý chặt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Ông Đức cho biết thêm, hiện có thông tin một số doanh nghiệp Trung Quốc đến Bến Tre trực tiếp sản xuất thạch dừa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đề nghị các ngành chức năng cần kiểm tra chặt chẽ, vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm mất uy tín mặt hàng truyền thống của Bến Tre.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho biết, giá dừa ổn định là mong muốn của lãnh đạo tỉnh vì điều đó có lợi cho người trồng dừa và cả doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để tiêu thụ dừa, không qua khâu trung gian, tránh bị ép giá.
Tại tỉnh Bến Tre, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre ký hợp đồng mua dừa của nông dân với giá 50.000 đồng/chục (12 trái), khi dừa tăng giá cao hơn, doanh nghiệp này mua theo giá thị trường; khi giá giảm dưới 50.000 đồng/chục, Công ty vẫn mua theo giá hợp đồng. Cách làm này được người trồng dừa Bến Tre ủng hộ.
Hiện, Công ty có trên 1.000ha dừa nguyên liệu từ việc ký hợp đồng mua dừa trực tiếp của nông dân./.