Sản xuất nông nghiệp hưởng lợi khi giá đạm ure tiếp tục xu hướng giảm

Hiện giá ure duy trì ở mức 10.200 đồng/kg-10.700 đồng/kg với ure Cà Mau; 9.700 đồng/kg-10.400 đồng/kg với ure Phú Mỹ; 9.500-9.650 đồng/kg với ure Ninh Bình và 9.600-9.700 đồng/kg với ure Hà Bắc.
Sản xuất nông nghiệp đang được hưởng lợi khi giá nông sản xuất khẩu ổn định ở mức cao, trong khi giá đạm ure tiếp tục xu hướng giảm. (Ảnh: TTXVN phát)

Trái với quy luật mùa vụ hàng năm, giá chủng loại phân bón dẫn dắt thị trường là đạm ure đang tiếp tục xu hướng giảm giá dù đã bước vào vụ Đông Xuân. Với biến động giá phân bón như vậy, sản xuất nông nghiệp đang được hưởng lợi lớn nhất khi giá nông sản xuất khẩu vẫn ổn định ở mức cao.

Khảo sát thực tế tại thị trường cho thấy, từ cuối tháng 11 đến nay, mặc dù nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang tăng dần khi bước vào mùa vụ và giá các loại ure tại Việt Nam đang trong xu hướng giảm so với các tuần trước đó nhưng sức mua vẫn chậm do người mua lo ngại rủi ro giá giảm tiếp.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Hà Anh, giá ure trong nước giảm không theo quy luật mùa vụ là do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, thị trường ure trong nước liên thông mật thiết với thị trường thế giới nên giá bán cũng tương đồng. Mặc dù Trung Quốc - nhà sản xuất ure lớn của thế giới vẫn duy trì hạn chế xuất khẩu nhưng nguồn cung ure từ Nga và Trung Đông rất lớn nên giá phân ure nhập khẩu tại thời điểm này giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, với xu hướng giá giảm như vậy, nông dân không mua dự trữ phân bón cho vụ Đông Xuân năm 2023-2024 như thói quen các năm trước đây.

Ngoài ra, với nguồn cung ure trong nước đã phủ hết nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và còn thừa để xuất khẩu, giá ure trong nước khó có thể tăng khi vào vụ như quy luật trước đây.

Đối với hoạt động sản xuất, ngày 27/11 vừa qua, nhà máy Đạm Ninh Bình tạm dừng sản xuất khoảng 7-10 ngày để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất ure khác của Đạm Hà Bắc, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau vẫn hoạt động ổn định và đều có lượng tồn kho dồi dào.

Bên cạnh đó, khu vực miền Bắc chưa vào chính vụ lúa Đông Xuân nên việc dừng sản xuất của Nhà máy Đạm Ninh Bình không tác động đáng kể đến thị trường chung.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết hiện công suất của bốn nhà máy phân ure lớn nhất của Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình) sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Vì vậy, nguồn cung ure sản xuất trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân ngay cả khi chưa có nguồn ure nhập khẩu.

Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Hà Anh cũng cho biết hai năm lại đây, doanh nghiệp hầu như không nhập khẩu ure mà chuyển hẳn sang tiêu thụ phân bón từ hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ do nguồn cung lớn, ổn định, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và thuận tiện trong phân phối.

Đối với hoạt động xuất khẩu, lũy kế tháng 11, xuất khẩu ước đạt 9.000 tấn, giảm khoảng 33.000 tấn so với tháng 10 - mức xuất khẩu thấp nhất kể từ 4/2020.

Theo phản ánh của nhiều đại lý cấp 1 phân bón, vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 trễ hơn dự kiến, cộng với tình hình xuất khẩu phân bón giảm và các kho đại lý phân bón cấp 2 tại khu vực Tây Nam Bộ vẫn còn hàng tồn trong tháng 11.

Vì vậy, người dân không mua hàng một lượt cho tổng nhu cầu cả vụ mà mua lai rai từng đợt chăm bón do nắm được thông tin giá ure đang giảm.

Hiện giá ure thế giới giảm 8-20 USD/tấn so với tuần trước, các thương nhân quốc tế chào giá hàng tàu xá ure Đông Nam Á hạt đục (ure rời) giao về cảng Sài Gòn trong tuần cuối tháng 11 giảm 10-15 USD/tấn so với tuần trước đó. Theo đó, việc giá ure nhập khẩu giảm đã tác động mạnh lên giá nội địa.

Công nhân Công ty Cổ phần Supe Phốtphát và Hóa chất Lâm Thao đóng gói bao bì sản phẩm phân bón. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Với áp lực giải phóng hàng của các tàu nhập khẩu phân bón trong tháng 11, giá chào về Thành phố Hồ Chí Minh hiện ở mức 360-370 USD/tấn CFR (giá CRF là giá tại cửa khẩu của bên xuất và cước phí vận chuyển) trong khi giá thành nhập khẩu đều ở mức trên 420 USD/tấn CFR.

Với áp lực này, các nhà máy sản xuất phân ure ở trong nước chủ chốt đều thông báo giá lệnh giảm khoảng 500 đồng/kg.

Tại thị trường trong nước, giá ure nhập khẩu từ Brunei, Indonesia và Trung Quốc dao động quanh mức 9.400-9.600 đồng/kg.

Trong khi đó, giá ure trong nước duy trì ở mức 10.200 đồng/kg-10.700 đồng/kg với ure Cà Mau; 9.700 đồng/kg-10.400 đồng/kg với ure Phú Mỹ; 9.500-9.650 đồng/kg với ure Ninh Bình và 9.600-9.700 đồng/kg với ure Hà Bắc.

Theo số liệu của hải quan, nhập khẩu ure tháng 11 đạt khoảng 30.500 tấn, giảm 10 nghìn tấn so với tháng 10. Tại cửa khẩu Lào Cai, vẫn chưa có hàng ure Trung Quốc thông quan. Trong tháng 12, dự kiến có hai tàu ure Malaysia của chủ hàng Vinacam được giao về Việt Nam trong nửa đầu tháng.

Hoạt động nhập khẩu trong tháng 12 dự kiến không sôi động do xu hướng giá ure thế giới giảm trong tháng 11 đã không thu hút các nhà nhập khấu ký đơn hàng mới. Lượng nhập khẩu tháng 12 dự kiến đạt 10.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với nhập khẩu tháng 11.

Theo dự kiến, trong tháng 12 này, các nhà máy sản xuất phía Bắc có thể gặp áp lực do nhu cầu yếu khi vụ Đông Xuân có thể bắt đầu từ giữa tháng Một-tháng Hai. Trong khi đó, các nhà máy phía Nam dự kiến duy trì sản xuất ổn định. Với dự báo này, lượng ure sản xuất trong tháng 12 ước đạt 200.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với tháng 11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục