Sản xuất nông nghiệp ngốn phần lớn nguồn nước ngọt thế giới

Đến năm 2050, bình quân 60% lượng nước ngọt sẽ được sử dụng để sản xuất ra lượng lương thực, thực phẩm phục vụ dân số toàn cầu và tỷ lệ này còn cao hơn nhiều ở các nước đang phát triển.
Sản xuất nông nghiệp ngốn phần lớn nguồn nước ngọt thế giới ảnh 1Người dân hứng nước sinh hoạt tại vòi nước công cộng ở một khu định cư tạm thuộc Johannesburg, Nam Phi ngày 11/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/4, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cùng Hội đồng Nước thế giới (WWC) đã ra Báo cáo chung, cảnh báo rằng do tác động của môi trường sống và hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đang phát triển có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng trong những năm tới.

FAO và WWC có chung nhận định rằng vẫn như lâu nay, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nhiều nước ngọt nhất, và dự báo đến năm 2050, tính bình quân trên thế giới, 60% lượng nước ngọt sẽ được ngành này sử dụng để sản xuất ra lượng lương thực, thực phẩm đủ phục vụ dân số toàn cầu vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, riêng tại các nước đang phát triển, tỷ lệ này sẽ cao hơn rất nhiều, thậm chí sẽ ngốn gần hết nguồn nước ngọt tại đây. Điều đó đồng nghĩa với việc tại các nước này sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng, nếu không tìm biện pháp ngăn chặn, khắc phục ngay từ bây giờ.

Hai tổ chức trên kêu gọi các quốc gia, các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các dự án để mở rộng hạ tầng cơ sở dự trữ, cung cấp nguồn nước, cải thiện chất lượng nguồn nước, sử dụng thật hiệu quả nguồn nước hiện có, trong đó có việc sử dụng lại nguồn nước, tìm kiếm nguồn nước ngầm, xây thêm hồ đập để giữ nước...

Các chuyên gia về nước khuyến nghị áp dụng rộng rãi các kỹ thuật, công nghệ canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết kiệm đất và nước ở mức tối đa, song vẫn bảo đảm được năng suất cây trồng, vật nuôi.

FAO và WWC ghi nhận những cố gắng của cộng đồng quốc tế và những nguồn đầu tư tích cực của các quốc gia nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm nước ngọt trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, theo hai tổ chức này, các quốc gia vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc đầu tư để phát triển nguồn nước và thực thi triệt để các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước hiện có để thế giới không phải đối đầu với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nước ngọt trong tương lai khi dân số thế giới đang tăng nhanh chóng, dự báo sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục