Sản xuất nước mắm Phú Quốc phải đi vào quy trình nghiêm ngặt

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, nước mắm Phú Quốc được Liên minh châu Âu cấp giấy chứng nhận Bảo hộ chỉ dẫn địa lý do vậy phải đáp ứng được chất lượng, cũng như kiểm soát được hàng giả, hàng nhái.
Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc hướng dẫn cách nhận dạng nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của khối ASEAN được Liên minh châu Âu (EU) cấp giấy chứng nhận Bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, để giữ được chứng nhận này, vấn đề đặt ra là phải đáp ứng được chất lượng đã đăng ký, cũng như kiểm soát được hàng giả, hàng nhái.

Thông tin trên được thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa đưa ra tại Hội thảo: "Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký GI ở châu Âu," do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban tỉnh Kiên Giang và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức sáng 22/7, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, khi đạt được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý của châu Âu, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ nguồn nguyên liệu đầu vào (là cá cơm) đến quy trình sản xuất và đóng chai.

Cụ thể, vùng đánh bắt cá nguyên liệu dùng để chế biến nước mắm Phú Quốc phải là vùng biển Kiên Giang, Cà Mau. Tỷ lệ cá cơm trong nguyên liệu chế biến tối thiểu là 85%.

Bên cạnh đó, việc bao gói tại cơ sở sản xuất phải nằm trên địa bàn huyện Phú Quốc nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như tránh được việc làm hàng giả, hàng nhái.

"Các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc phải nhìn nhận rõ những thách thức, khó khăn khi tham gia chỉ dẫn địa lý. Đó là những hàng rào kỹ thuật, những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề đảm bảo môi trường mà EU đặt ra," thứ trưởng nói.

Theo Hội nước mắm Phú Quốc, hiện có 68/80 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc.

Ước tính mỗi năm các doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu lít nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, do thương hiệu này đang rất nổi tiếng nên tình trạng làm giả, nhái thương hiệu vẫn còn khá phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc lưu ý, nước mắm Phú Quốc chính hiệu có 3 loại tem, đó là tem về mã số sản phẩm (được dán trên cổ chai), logo chung về Phú Quốc và logo dán chỉ dẫn địa lý của châu Âu, trong đó tem về mã số sản phẩm sẽ được cấp theo tên của từng doanh nghiệp khi đạt các tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý.

"Chỉ cần nhìn vào mã số ghi trên sản phẩm là có thể truy xuất được thông tin về chất lượng và doanh nghiệp đó," bà Tịnh cho hay.

Để mở rộng kênh phân phối, tại thị trường miền Bắc, nhiều doanh nghiệp như Hapro, Fivimart, BigC, Công ty cổ phần chợ Đồng Xuân... đã ký kết tiêu thụ sản phẩm nước mắm Phú Quốc chính hiệu, đây sẽ là cơ sở để người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng sản phẩm cũng như chống lại hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng này.

Trước đó, Tháng 10/2012, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm của tỉnh Kiên Giang, được bảo hộ tại thị trường EU dưới dạng tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO).

Việc bảo hộ này không những nâng cao uy tín thương hiệu nước mắm Phú Quốc trên thị trường thế giới, tạo điều kiện thuận lợi đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, mà còn góp phần thúc đẩy thương mại, đưa sản phẩm truyền thống này hội nhập kinh tế quốc tế./.

Logo và tem chống hàng giả được đóng trực tiếp lên chai nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục