Năm nay, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết đã ít hơn so với mọi năm do các doanh nghiệp, địa phương đều có các chính sách tốt để hỗ trợ, thu hút lao động quay trở lại làm việc. Mặt khác, một lực lượng lớn lao động không về quê ăn Tết đo dại dịch COVID-19 cũng là nguồn lao động dồi dào cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Nhiều chính sách thu hút lao động
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đa số các doanh nghiệp trong cụm và khu công nghiệp đã hoạt động trở lại trong hôm nay, 7/2. Tại các doanh nghiệp đã hoạt động, khoảng 80% công nhân đã đến nhà máy. Tỷ lệ lao động tham gia sản xuất ngày đầu năm mới cao hơn các năm trước. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần có 112 doanh nghiệp tổ chức công đoàn thông báo có làm việc trong Tết, với 12.460 lao động tham gia.
Nguyên nhân tỷ lệ lao động trở lại ngày đầu năm tại Bình Dương khá cao so với mọi năm là do số lượng lao động ở lại không về quê dịp Tết đông. Trong dịp Tết Nguyên Đán có khoảng 500.000 lao động ngoại tỉnh tại Bình Dương không về quê ăn Tết. Số còn lại về các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung thì sau một tuần nghỉ Tết, trong hai ngày 5-6/2 cũng đã có hàng trăm ngàn người lao động các tỉnh, thành đang tấp nập trở lại Bình Dương để chuẩn bị vào nhà máy làm việc.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh Bình Dương và tổ chức công đoàn có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân khó khăn để người lao động gắn bó với các doanh nghiệp tại địa phương. Các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến chính sách đối với người lao động để giữ chân, cùng gắn bó và phát triển với người lao động.
Tại Đồng Nai trong những ngày làm việc đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động bốc thăm trúng thưởng, lì xì cho người lao động tạo khí thế làm việc. Điển hình như Công ty Cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) trong ngày làm việc đầu năm 5/2 đã chi hơn 8 tỷ đồng để lì xì và tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho người lao động với các phần quà có giá trị lớn như máy giặt, tivi, tủ lạnh, xe máy… cho người lao động.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác cho người lao động, như tặng quà, tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe để quay lại thành phố làm việc...
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức cho người lao động quay lại thành phố một cách thuận lợi, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi di chuyển ra khỏi tỉnh đến các địa phương khác làm việc...
Đặc biệt, việc các cấp công đoàn thành phố tổ chức chăm lo tốt cho 10.000 gia đình công nhân không thể về quê, ở lại thành phố trong chương trình Tết sum vầy 2022 cũng đã góp phần để người lao động thêm yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, ổn định lực lượng lao động tại thành phố.
Phục hồi sản xuất đạt 85%
Đánh giá tình hình lao động trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thông thường hàng năm trước Tết sẽ thiếu khoảng 10% lực lượng lao động và sau Tết sẽ thiếu khoảng 20%, nhưng năm nay thì sự thiếu hụt sẽ thấp hơn so với thông thường.
Lý giải nguyên nhân ít thiếu hụt hơn so với mọi năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng do đã nghỉ việc một thời gian dài vì dịch bệnh nên rất nhiều lao động khi đã trở lại làm việc sẽ không về quê dịp Tết mà ở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn. Vì thế lực lượng lao động năm nay ổn định, dồi dào hơn so với mọi năm.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các doanh nghiệp, khu công nghiệp năm nay đều có nhiều phương án giữ chân người lao động như nâng lương, thưởng Tết… Các địa phương cũng chủ động thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động.
“Theo báo cáo của các tập đoàn lớn, tổng công ty, doanh nghiệp FDI dự báo thì lực lượng lao động sau Tết năm nay chỉ thiếu 10-15% và sẽ thấp hơn so với mọi năm,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định tình hình sản xuất vẫn đang trong quá trình phục hồi, có những doanh nghiệp phục hồi 100%, có doanh nghiệp 90%, nhưng có doanh nghiệp chỉ 60%. Tùy theo tình hình thực tiễn và yêu cầu phục hồi sản xuất của doanh nghiệp mà đặt ra những nhu vầu về lao động khác nhau. Về cơ bản, mức phục hồi bình quân chung đã đạt 85%.
"Với mức phục hồi 85% thì không thiếu trầm trọng lực lượng lao động. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nhiều là lực lượng lao động chất lượng cao," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay./.