Sáp nhập đơn vị hành chính: Giữ gìn bản sắc địa phương qua tên gọi làng, xã

Không chỉ đơn thuần là một danh xưng, tên gọi làng, xã còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa, bản sắc địa phương, là sợi dây gắn kết con người với quê hương.
Tàu, thuyền của ngư dân Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vừa cập bến. (Ảnh minh họa: Xuân Tiến/TTXVN)

Việc sáp nhập đơn vị hành chính đang diễn ra trên địa bàn Nghệ An.

Điều này mang theo nhiều thay đổi trong đời sống xã hội; trong đó có việc đặt tên gọi mới cho các làng, xã sau sáp nhập. Đây là một vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Không chỉ đơn thuần là một danh xưng, tên gọi làng, xã còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa, bản sắc địa phương, là sợi dây gắn kết con người với quê hương.

Do đó, việc đặt tên gọi mới vừa đảm bảo tính thống nhất, vừa thể hiện được bản sắc riêng của từng địa phương, đồng thời phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân đã và đang đặt ra những thách thức cho chính quyền địa phương.

Hồn cốt làng quê trong tên gọi mới

Thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, ba xã Thanh Hưng, Thanh Văn và Thanh Tường của huyện Thanh Chương tiến hành sáp nhập để hình thành một xã mới với tên gọi là Đại Đồng.

Theo khảo sát, việc sáp nhập ba xã nói trên nhận được sự đồng tình cao của nhân dân địa phương.

Cụ thể: có 97,8% người dân xã Thanh Tường, 96,7% người dân xã Thanh Văn và 99,4% người dân xã Thanh Hưng đồng ý với phương án sáp nhập. Đặc biệt, tên đơn vị hành chính mới cũng là tên gọi cũ của tổng Đại Đồng trước đây.

Cùng lựa chọn tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập dựa trên yếu tố lịch sử, tại huyện Nam Đàn, toàn bộ diện tích và dân số xã Vân Diên và một phần xã Nam Thượng được sáp nhập vào thị trấn Nam Đàn, lấy tên mới là thị trấn Nam Đàn.

Sau sáp nhập, thị trấn Nam Đàn là thị trấn lớn nhất về quy mô dân số và diện tích của tỉnh Nghệ An. Lý giải việc lấy tên thị trấn Nam Đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết trước đây, thị trấn Nam Đàn và xã Vân Diên vốn là một đơn vị hành chính, sau này mới tách ra.

Trong định hướng phát triển đến năm 2035, thị trấn Nam Đàn trở thành đô thị trung tâm (từ loại V lên đô thị loại IV). Do đó, để đảm bảo sự ổn định về tên gọi, Ban Chấp hành Đảng ủy hai đơn vị đã thống nhất đề xuất đặt tên thị trấn Nam Đàn.

Tên gọi này phù hợp với điều kiện mở rộng khu đô thị, khu công nghiệp văn minh trong tương lai và nhận được sự đồng tình của đại đa số người dân.

Bản làng ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). (Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)

Dựa trên cơ sở nghiên cứu và yếu tố văn hóa, lịch sử để đặt tên mới cho đơn vị hành chính sau sáp nhập nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân Nghệ An.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc đặt tên xã mới gây ra không ít tranh cãi, băn khoăn.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu có văn bản báo cáo với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An về tên xã sau sáp nhập. Theo đó, có 14 xã của huyện phải sáp nhập thành bảy xã mới. Trong đó, có hai xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ sẽ thành xã Hoa Mỹ; xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sẽ có tên mới là xã Đôi Hậu.

Chuyện đặt tên xã mới này được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội, tạo tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. “Nhắc tới làng Quỳnh Đôi là mảnh đất có trầm tích văn hóa hàng đầu xứ Nghệ, được biết đến với cái tên “Làng khoa bảng;” gắn liền với câu nói dân gian đã truyền tụng từ xa xưa khắp nơi trong cả nước "Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi," trở thành niềm tự hào lớn lao trong tâm thức bao người con xứ Nghệ.

Nếu sau sáp nhập được thay bằng tên Đôi Hậu thì thật lạ lùng và vô nghĩa” - ông Hồ Thành Chung, xã Quỳnh Đôi chia sẻ. Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đức Vỹ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi cho biết, Quỳnh Đôi là tên làng, được lấy để đặt cho tên xã.

Thời gian tới, xã Quỳnh Đôi phải sáp nhập với xã Quỳnh Hậu kề bên. Cán bộ và người dân xã Quỳnh Đôi rất muốn giữ lại tên xã vì nó đã gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa và máu thịt của bao thế hệ.

Tuy nhiên, việc này rất khó vì xã Quỳnh Hậu cũng muốn giữ tên cũ. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Hậu Trần Đức Hữu cũng trăn trở với tên mới sau khi sáp nhập là Đôi Hậu.

"Tên xã Quỳnh Hậu có từ năm 1946. Khi có chủ trương sáp nhập, chúng tôi đã lấy ý kiến của các lão thành, cán bộ, đảng viên trong xã. Ai cũng muốn giữ lại cái tên của xã vì nó đã gắn liền với lịch sử, với bao thế hệ.

Tuy nhiên, nếu để tên xã mới là Quỳnh Hậu, xã Quỳnh Đôi sẽ không đồng ý. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất ghép hai tên xã lại thành xã Hậu Đôi; sau đó huyện lại đổi thành Đôi Hậu," ông Trần Đức Hữu cho biết.

Hiện, tên xã mới chưa "chốt." Do đó, lãnh đạo hai xã đang tìm tên gọi phù hợp, vừa có ý nghĩa vừa giữ được tên gốc.

Cẩn trọng trong lựa chọn tên làng, xã mới

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu cho hay huyện đang băn khoăn khi việc ghép tên hai xã sáp nhập thành tên xã mới theo phương án hiện tại.

Theo phương án dự kiến ban đầu là giữ lại tên của một trong hai xã sáp nhập nhằm giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ.

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến trong Ban Chấp hành Đảng ủy các địa phương, ý kiến các chi bộ, một số cán bộ, đảng viên không đồng tình với phương án này.

Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện sau đó đã thành lập các tổ công tác về làm việc với các xã sáp nhập.

Những ngôi nhà ở vùng cao Nghệ An. (Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)

Ngoài họp Ban Chấp hành Đảng ủy xã, có địa phương còn họp các đại biểu hội đồng nhân dân xã, các bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các đoàn thể để tuyên truyền, vận động.

Tuy nhiên, vẫn chưa tạo được sự thống nhất theo phương án ban đầu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập được tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân; dự kiến tổ chức vào ngày 15/5 tới. Nếu vẫn còn có ý kiến trái chiều, địa phương tiếp tục xem xét và làm lại quy trình.

Sau khi lấy ý kiến của người dân, hội đồng nhân dân xã sẽ họp, tiếp đó là hội đồng nhân dân huyện và hội đồng nhân dân tỉnh họp để thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Khi đó, tên gọi mới được "chốt" chính thức để trình Trung ương xem xét, quyết định.

Bàn về vấn đề đặt tên mới cho làng, xã, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường, Trung tâm Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An) cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế-xã hội kéo theo việc phải thay đổi quản lý các đơn vị hành chính.

Điều này, đã tạo nên thách thức lớn trong việc giữ hay bỏ nhiều địa danh có tuổi đời hàng trăm năm, với nội hàm văn hóa và nguồn gốc lịch sử sâu sắc.

“Khi thay đổi cần duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh. Việc giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm.

Bởi bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm và ký ức xứ sở quê hương cội nguồn của bao thế hệ. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế-xã hội,” nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường nhấn mạnh.

Việc lựa chọn tên gọi làng, xã sau sáp nhập cần được thực hiện cẩn trọng, khoa học. Do đó, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, giải thích, tôn trọng nguyện vọng của người dân, lựa chọn giải pháp dung hòa, phù hợp với quy định để đảm bảo tính thống nhất, giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện được bản sắc riêng của từng địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục