Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, nhiều chuyên gia xã hội và y tế mới đây đã lên tiếng cảnh báo sau những thập kỷ thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo, giờ đây các nước Mỹ Latinh đang phải đối diện một thách thức hoàn toàn trái ngược đó là tình trạng béo phì.
Thống kê chính thức của Liên hợp quốc cho thấy số người đói tại Mỹ Latinh đã giảm từ mức 68,5 triệu người trong năm 1991 xuống 37 triệu người vào cuối năm 2014.
Đây là khu vực duy nhất trên thế giới (xét theo tổng thể các khu vực) hoàn thành mọi Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan tới xóa đói mà Liên hợp quốc đề ra tới năm 2015. Tuy nhiên, đây lại là khu vực có tỷ lệ người béo phì tăng nhanh nhất thế giới. Hiện tỷ lệ người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì tại Mỹ Latinh đã lên tới 56%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 34%.
Thống kê cũng cho thấy tầng lớp người nghèo cùng một bộ phận tầng lớp trung lưu là nạn nhân chính của tình trạng tiêu cực này. Theo lý giải của bà Yenory Hernández-Garbanzo, chuyên gia của Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO), tình trạng này bắt nguồn từ việc các nước Mỹ Latinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thông qua việc mở rộng lĩnh vực công nghiệp và đi cùng với đó là thói quen và sở thích tiêu thụ thức ăn sẵn.
Trong khi đó, các tập đoàn thức ăn nhanh khổng lồ, đặc biệt là các tập đoàn của Mỹ, đang mở rộng hoạt động theo cấp số nhân, cũng như sức mạnh của quảng cáo. Đối với một bộ phận đáng kể người lao động, đồ ăn sẵn – thường có hàm lượng muối, đường và mỡ cao – không chỉ tiện lợi hơn trong cuộc sống ngày càng bận rộn, mà còn rẻ hơn các món ăn đảm bảo sức khỏe nhưng đòi hỏi chế biến nhiều.
Bà Hernández-Garbanzo cũng thừa nhận trong các chương trình xã hội xóa đói giảm nghèo trước đây, các nước Mỹ Latinh, cũng như các cơ quan tư vấn của FAO, mới chỉ chú trọng tới việc nâng cao khẩu phần chứ chưa quan tâm đúng mức tới việc cân bằng dinh dưỡng các khẩu phần này.
Chưa tính tới các tác động xã hội rộng lớn, chỉ riêng thiệt hại kinh tế của tình trạng này cũng là rất đáng kể do các chi phí y tế phát sinh để chữa trị cho những người béo phì hoặc các bệnh có liên quan như tiểu đường và tim mạch.
Đơn cử, Mexico – quốc gia có tỷ lệ người trưởng thành thừa cân cao nhất khu vực (70%) – đã thiệt hại 5,5 tỷ USD trong năm 2008 do vấn nạn này và nếu không đảo ngược xu hướng trên, con số này có thể lên tới 12,5 tỷ USD vào năm 2017.
Hiện chính phủ một số nước Mỹ Latinh đã áp dụng những biện pháp cụ thể cho vấn đề xã hội này. Mexico, Costa Rica, Uruguay và Colombia đã áp đặt mức thuế đặc biệt đối với các đồ uống có đường, khuyến khích sử dụng thực đơn lành mạnh tại các trường học và yêu cầu mọi cơ sở giáo dục phải đặt các bình nước uống công cộng để giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường. Trong khi đó, Ecuador áp dụng chế độ kiểm soát thực đơn tại các cơ sở giáo dục và công cộng.
Tuy nhiên, FAO nhận định cuộc chiến chống nạn thừa cân tại Mỹ Latinh sẽ không kém phần gian khó và phức tạp so với cuộc chiến xóa đói trước đây./.