Theo một nghiên cứu về khủng bố và bạo lực chính trị được tiến hành bởi Aon và Tập đoàn tư vấn rủi ro (RAG), Saudi Arabia và Bahrain là hai quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố cao nhất trong sáu nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Cả Saudi Arabia và Bahrain đều bị xếp hạng 4 trên bản đồ khủng bố và bạo lực chính trị với nguy cơ cao ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh quốc tế.
Bốn quốc gia còn lại của GCC là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait và Oman xếp hạng 2, đồng nghĩa với việc có ít nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khủng bố và bạo lực chính trị hơn hai nước nói trên.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, Trung Đông là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chủ nghĩa khủng bố trong năm qua với một loạt cuộc xung đột đang diễn ra như ở Syria, Iraq, Yemen... thiếu kiểm soát nhà nước và bất ổn chính trị, với số lượng các cuộc tấn công cao hơn 40% (1.114 cuộc) so với khu vực đứng thứ hai là Nam Á (799 cuộc).
Khu vực Bắc Phi đứng thứ ba trong danh sách các vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hoạt động khủng bố. Số lượng các cuộc tấn công được ghi nhận ở Trung Đông nhiều nhất diễn ra ở Iraq, gần gấp ba lần so với quốc gia đứng kế tiếp là Afghanistan.
Ngoài mối đe dọa thường trực của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), biến động chính trị và nguy cơ bạo lực bùng phát bất ngờ luôn rình rập khu vực Trung Đông và khiến hoạt động kinh doanh quốc tế bị ảnh hưởng.
Trong năm 2016, nguy cơ đảo chính và nổi dậy đã được cảnh báo tới 12 nước, trong đó có Angola, Saudi Arabia, Kazakhstan, Zimbabwe và Angola./.