Saudi Arabia chỉ trích sự thống trị của Hezbollah ở Liban

Căng thẳng ngoại giao giữa Liban và các nước Arab vùng Vịnh đã leo thang sau các phát biểu của Liban về chiến dịch quân sự của Liên quân Arab chống lại lực lượng Houthi tại Yemen.
Saudi Arabia chỉ trích sự thống trị của Hezbollah ở Liban ảnh 1Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan ngày 31/10 cho rằng vấn đề chủ chốt của Liban là sự thống trị của phong trào Hezbollah trong hệ thống chính trị của nước này.

Trả lời phỏng vấn báo Al Arabiya bên Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome (Italy) ngày 31/10, Ngoại trưởng bin Farhan nhấn mạnh: "Trong một chừng mực nào đó, cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là cuộc khủng hoảng giữa chúng tôi và Liban. Hiện đang có một cuộc khủng hoảng ở Liban, với sự thống trị của các lực lượng ủy quyền của Iran tại đó. Đây là điều khiến chúng tôi lo ngại và nó cũng khiến cho việc giao thiệp với Liban trở nên vô ích."

Ông Faisal nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Liban cần đưa nước này trở lại đúng vị trí của mình trong thế giới Arab.

[Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Con đường chông gai của Liban]

Căng thẳng ngoại giao giữa Liban và các nước Arab vùng Vịnh đã leo thang trong mấy ngày qua sau các phát biểu của Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi về chiến dịch quân sự của Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại lực lượng Houthi tại Yemen.

Trong bài trả lời phỏng vấn được phát trên truyền hình hôm 27/10, ông Kordahi đã chỉ trích chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen và cho rằng cuộc chiến kéo dài 7 năm qua tại Yemen "đã đến lúc phải kết thúc."

Ông Kordahi còn nói rằng lực lượng Houthi có quan hệ với Iran đang tự vệ, đồng thời gọi cuộc chiến Yemen là "vô ích."

Các nước Arab vùng Vịnh cho rằng phát biểu trên của người đứng đầu Bộ Thông tin Liban là "đáng trách và không thể chấp nhận được."

Saudi Arabia đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ của nước này tại Liban về nước để tham vấn, đồng thời yêu cầu đại sứ Liban phải rời Riyadh trong vòng 48 giờ. Saudi Arabia cũng quyết định ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Liban.

Ba quốc gia vùng Vịnh khác là Bahrain, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng rút nhân viên ngoại giao của mình về nước và yêu cầu đại diện ngoại giao của Liban rời khỏi các nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.