Saudi Arabia ngày 24/6 đã chính thức bãi bỏ quy định cấm phụ nữ lái xe như một phần của các kế hoạch cải cách của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman.
Đây được coi cuộc cải cách mang tính lịch sử mở ra một thời kỳ mới đối với quốc gia Hồi giáo này.
Ngay sau khi quy định trên được bãi bỏ từ nửa đêm, nhiều phụ nữ ở thủ đô Riyadh và các thành phố khác đã lái xe trên các đường phố trong niềm vui mừng.
Theo người dẫn chương trình truyền hình Sabika al-Dosari, việc bãi bỏ lệnh cấm là "một thời khắc lịch sử đối với từng phụ nữ Saudi Arabia," giải phóng họ khỏi sự lệ thuộc vào lái xe riêng hoặc người thân là nam giới.
[Saudi Arabia cho phép phụ nữ được gia nhập quân đội]
Dự kiến, khoảng 3 triệu phụ nữ Saudi Arabia sẽ đủ điều kiện tham gia lái xe tại Saudi Arabia vào năm 2020.
Đầu tháng này, Riyadh cũng đã cấp các bằng lái xe đầu tiên cho phụ nữ và đổi bằng lái xe nước ngoài sang bằng lái xe trong nước cho một số người sau khi kiểm tra thực hành.
Để chuẩn bị cho quyết định trên, nhiều trường dạy lái xe cho phụ nữ đã được mở ra ở nhiều thành phố trên khắp cả nước.
Các đồng minh phương Tây của Saudi Arabia cũng đã hoan nghênh việc bãi bỏ quy định cấm lái xe đối với phụ nữ, coi đây là một minh chứng cho xu hướng tiến bộ mới ở Saudi Arabia.
Tháng 9/2017, Saudi Arabia đã công bố một sắc lệnh hoàng gia chấm dứt lệnh cấm phụ nữ lái xe áp dụng trong nhiều thập kỷ.
Động thái này nằm trong hàng loạt quyết định cải cách của Chính phủ Saudi Arabia, trong đó kế hoạch cải cách mang tên Tầm nhìn 2030 của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman hướng tới việc tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động lên gần 1/3 so với mức 22% hiện nay.
Việc cho phép phụ nữ lái xe giúp họ năng động hơn khi tham gia lực lượng lao động. Theo ước tính của Bloomberg, việc bãi bỏ quy định cấm lái xe sẽ giúp tăng tỷ lệ phụ nữ có việc làm, đóng góp 90 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2030./.