Saudi Arabia phát tín hiệu tăng sản lượng, giá dầu giảm phiên 4/11

Saudi Arabia đã bác bỏ lời kêu gọi tăng nguồn cung dầu nhanh hơn từ OPEC+ nhưng báo cáo của Al Arabiya TV cho biết quốc gia Vùng Vịnh sẽ đạt sản lượng 10 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021.
Một cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% khi kết thúc phiên 4/11, đảo ngược mức tăng trước đó trong một phiên giao dịch đầy biến động sau khi có thông tin sản lượng của Saudi Arabia sẽ sớm vượt 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Báo cáo trên từ kênh Al Arabiya TV thuộc sở hữu của Chính phủ Saudi Arabia được đưa ra sau khi quốc gia này cùng với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) nhất trí tuân thủ mức tăng sản lượng đã được thống nhất trước đó.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 1,45 USD (tương đương 1,8%) xuống 80,54 USD/thùng.

Trước đó, giá loại dầu này đã tăng lên 84,49 USD/thùng vào đầu phiên.Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,05 USD (2,5%) xuống 78,81 USD/thùng, trượt khá xa so với mức cao nhất đạt được trước đó cùng phiên là 83,42 USD/thùng.

Kể từ khi đóng cửa phiên 2/11, giá dầu Brent và WTI đã giảm lần lượt khoảng 5% và 6%.

Các nguồn tin cho biết OPEC+ đã nhất trí tuân theo kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày theo mỗi tháng, bất chấp những lời kêu gọi từ Mỹ về việc tăng nguồn cung cho thị trường khi giá năng lượng tăng cao.

[OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ từ tháng 12]

Saudi Arabia đã bác bỏ lời kêu gọi tăng nguồn cung dầu nhanh hơn từ OPEC+. Nhưng báo cáo của Al Arabiya TV cho biết quốc gia Vùng Vịnh này sẽ đạt sản lượng 10 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021.

Ông Bob Yawger, người phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tại ngân hàng Mizuho cho biết sau khi tăng hơn 2 USD vào đầu phiên, giá dầu giảm dần khi cuộc họp của OPEC bắt đầu diễn ra.

Các nhà giao dịch sau đó có xu hướng bán và chốt lời hơn là chịu rủi ro thị trường có thể trượt sâu hơn, khi Nhà Trắng kêu gọi khối này tăng sản lượng.

Cũng trong ngày 4/11, Nhà Trắng đã chỉ trích quyết định của OPEC+ về duy trì sản lượng dầu ổn định. Phía Mỹ nói rằng OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối dường như "không muốn" sử dụng quyền lực của họ để giúp phục hồi kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục