Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những nước gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất, sẽ công bố chi tiết kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tại một sự kiện về môi trường dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 24/10.
Lần đầu được công bố hồi tháng Ba, Sáng kiến Xanh Saudi được đưa ra trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra tại Glasgow (Anh) từ ngày 31/10-12/11.
Vốn là nước đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng Saudi Arabia vẫn chưa đưa ra Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm những mục tiêu của mỗi nước trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng nhiều hơn 1,5 độ C so với các mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn Saudi Arabia tham gia vào một sáng kiến toàn cầu nhằm từ nay đến năm 2030 cắt giảm 30% lượng khí thải methane (mê-tan) so với mức năm 2020.
Saudi Arabia đã cam kết lượng khí thải carbon được cắt giảm của nước này sẽ chiếm hơn 4% lượng cắt giảm trên toàn cầu thông qua nhiều sáng kiến, trong đó có mục tiêu từ nay đến năm 2030 sản xuất được 50% nhu cầu năng lượng trong nước từ các nguồn nhiên liệu tái tạo và trồng hàng tỷ cây xanh tại quốc gia có phần lớn diện tích lãnh thổ là sa mạc này.
[Tổng thư ký LHQ cảnh báo thời gian không cho phép COP26 thất bại]
Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn chưa đặt ra mục tiêu đưa lượng khí thải ròng về 0, trong khi Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), quốc gia láng giềng của Saudi Arabia ở vùng Vịnh, trước đó trong tháng này đã công bố kế hoạch giảm lượng khí thải ròng về 0 từ nay đến năm 2050.
Nền kinh tế Saudi Arabia vẫn phụ thuộc nặng nề vào thu nhập từ dầu mỏ, khi những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế đã không được như kỳ vọng mà Thái tử Mohammed bin Salman đặt ra. Nhiều quan chức của nước này cho rằng thế giới sẽ tiếp tục cần đến dầu thô của Saudi Arabia trong vài chục năm tới./.