Sẽ có 6-7 cơn bão từ nay đến hết năm, Trung Bộ nguy cơ khô hạn

Từ nay đến hết năm 2015 sẽ có khả năng xảy ra khoảng 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong khi khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục đối mặt nguy cơ khô hạn.
Sẽ có 6-7 cơn bão từ nay đến hết năm, Trung Bộ nguy cơ khô hạn ảnh 1Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 14/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai 8 tháng năm 2015; triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực phòng, chống thiên tai cho biết, ở ​Việt Nam, ngay từ tháng Ba đã xảy ra mưa lũ lớn trái mùa tại 3 tỉnh miền Trung, đỉnh lũ một số sông lên mức báo động 3, rét hại bất thường ở Sa Pa; nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng và kéo dài ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, dông lốc đặc biệt ở Hà Nội, mưa lịch sử về cường suất tại Sơn La sau bão số 1 và tại Quảng Ninh vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám.

Trên cả nước đã xảy ra 78 trận mưa dông kèm theo lốc và sét đánh, sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sớm hơn và vào sâu hơn so với cùng kỳ đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Thiên tai đã làm 116 người chết và mất tích (riêng mưa, lũ từ ngày 26/7 đến 6/8 tại tỉnh Quảng Ninh đã làm 17 người chết); 112 người bị thương; 1.130 nhà bị đổ, sập, trôi; 13.697 ngôi nhà bị siêu vẹo, tốc mái; hơn 66 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại; hàng triệu m3 đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... ước tổng thiệt hại khoảng 5.465 tỷ đồng.

 ​

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ địa phương, các bộ, ngành bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí hơn 653 tỷ đồng, 3.175.000 tấn gạo, 825 tấn lúa giống.

Theo Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu nạn, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, 8 tháng qua, công tác tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện khá kịp thời, hiệu quả. Công tác thông báo, cảnh báo, kế hoạch sơ tán nhân dân khi có bão, lũ đã được triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng của nhân dân và nhà nước.

Nhiều nhiệm vụ hoàn thành khá tốt như: Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp với Bộ Quốc phòng cử đoàn công tác đến tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 3 thành lập Sở Chỉ huy tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp chỉ đạo và hỗ trợ chính quyền, nhân dân trên địa bàn ứng phó mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Bộ đội Biên phòng sử dụng tàu HQ634 vận chuyển 04 chuyến/1.672 khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo Cô Tô về bờ an toàn.

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương điều động trên 23.000 lượt người, hơn 400 lượt phương tiện các loại ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Kết quả đã tổ chức hỗ trợ, giúp dân sơ tán, di dời được 2.342/8.242 người dân từ khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.

Nhận định xu thế khí tượng thủy văn trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết trong điều kiện EL Nino tiếp tục hoạt động mạnh, từ nay đến hết năm 2015 sẽ có khả năng xảy ra khoảng 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Do ảnh hưởng của hiện tượng E​l Nino, lượng mưa từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 tại khu vực Trung Bộ có khả năng chỉ đạt 50-70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, một số nơi thấp hơn. Nhiều khả năng sẽ thiếu hụt mưa trong chính mùa mưa ở khu vực Trung Bộ (từ tháng 9 đến tháng 11), nhất là khu vực Trung Trung Bộ và Nam Bộ.

Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 20-50%. Mùa mưa ở khu vực này có khả năng kết thúc sớm hơn so với Trung bình nhiều năm.

Từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016, dòng chảy trên các sông suối ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 20-40%, một số sông ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt trên 60%.

Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2015-2016 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.

Dự báo đỉnh lũ năm 2015 trên sông Cửu Long ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, nên trong các tháng đầu mùa khô 2015-2016, mực nước các trạm bơm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ của mùa khô 2014-2015 và trung bình nhiều năm. Do đó, các địa phương ở Nam Bộ cần có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như khi có lũ bão, một số địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã triển khai còn chưa quyết liệt; phương án phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế; công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức.

Hệ thống thông tin liên lạc ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đảm bảo; kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai còn bị động; mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn còn thiếu. Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế...

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các bộ, ngành, địa phương đạt được kết quả tích cực trong công tác ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hiện tình hình khí tượng thủy văn đang có diễn biến hết sức phức tạp, các hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động đối phó nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại do thiên tai bất thường gây ra, đặc biệt tập trung vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng chống thiên tai, nhất là các hiện tượng thiên tai bất thường.

Các địa phương cần rà soát các hình thái thiên tai để tiến hành xây dựng các phương án phòng, chống phù hợp; kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, trong đó chú trọng đến trách nhiệm của các thành viên tham gia; tiếp tục triển khai hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cho rằng hiện công tác dự báo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư cho các chương trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn yếu và thiếu, do vậy cần ưu tiên rà soát các nguồn vốn để tăng cường cho những dự án thiết yếu phòng chống thiên tai.

Trước tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước, rà soát cung cầu nước tại từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm ứng phó với những tình huống ngày càng cực đoan của thời tiết.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhất trí với các nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới như tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; rà soát, đánh giá công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư, đô thị đảm bảo an toàn với các tình huống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, rà soát phương án và tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn; bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1002, các dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân khỏi vùng bị thiên tai.

Liên quan đến công tác phòng chống cơn bão số 3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ, ngành và các địa phương nơi chịu ảnh hưởng của cơn bão chủ động, tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 26 ngày 13/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; đồng thời kiên quyết kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, để di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm (được điều chỉnh là vùng biển Nam Vĩ tuyến 17,5; Bắc Vĩ tuyến 14,5 và Tây Kinh tuyến 113)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục