Theo Đề cương Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, sẽ có những nguyên tắc về áp dụng giá cước trên cơ sở giá thành cũng như quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng truyền hình trả tiền.
Đây là một tín hiệu vui, bởi lẽ giá cước của dịch vụ truyền hình trả tiền những năm qua luôn làm người tiêu dùng phiền lòng. Nhất là có thời điểm, doanh nghiệp tăng từ 70.000 đồng/thuê bao/tháng lên tới 110.000 đồng/thuê bao/tháng. Trong khi đó, tín hiệu của các nhà đài hiện cũng không làm hài lòng “Thượng đế.”
Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, việc bổ sung các quy định về quản lý giá thành, giá cước, khuyến mại dịch vụ sẽ giúp thị trường truyền hình trả tiền phát triển, cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ cũng sẽ quy định về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng truyền hình trả tiền.
Nói về sự cần thiết của việc xây dựng Nghị định này, đại diện của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, sau ba năm triển khai Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, các đơn vị đã kiện toàn và nâng cao quy mô. Hiện cả nước có 36 đầu mối cung cấp dịch vụ (so với gần 60 đơn vị trước đây).
Ngoài ra, các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ngoài hai dịch vụ truyền thống là truyền hình cáp tương tự và truyền hình vệ tinh, tới nay đã phát triển thêm truyền hình cáp số (DVB-C), truyền hình cáp giao thức IP (IPTV), truyền hình di động (Mobile TV). Tính tới 31/12/2013, toàn quốc có 6,3 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, hạ tầng truyền dẫn phát sóng hiện đang đứng trước xu thế số hóa nhanh, tạo ra áp lực quản lý nhà nước về nội dung, hạ tầng lẫn dịch vụ trong bối cảnh hội tụ công nghệ. Mặt khác, trên thị trường đã xuất hiện một đơn vị sở hữu, chi phối nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Thậm chí, có hiện tượng độc quyền nội dung dịch vụ đối với một số kênh, chương trình có ảnh hưởng xã hội… đòi hỏi chính sách quản lý cần có sự thay đổi.
Bởi vậy, Nghị định đang xây dựng được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề trên, giúp thị trường truyền hình trả tiền phát triển lành mạnh và đem lại lợi ích cho cộng đồng./.