Tại phiên họp ngày 4/1 của Ngân hàng Nhà nước về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 và định hướng giải pháp điều hành năm 2017 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua các tổ chức tín dụng đã làm tốt công tác tái cơ cấu.
Ông Hưng cho biết thêm, trong giai đoạn tới đơn vị này đã có kế hoạch xây dựng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đối với 3 ngân hàng "0 đồng" cùng với một số ngân hàng yếu kém khác.
Nợ xấu toàn ngành còn 2,46%
Đánh giá lại kết quả tái cơ cấu giai đoạn vừa qua (2011-2016), ông Nguyễn Văn Hưng cho hay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản đạt mục tiêu, định hướng đặt ra, số tổ chức tín dụng yếu kém đã được thu hẹp dần thông qua hợp nhất, sáp nhập tự nguyện theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của hầu hết tổ chức tín dụng, nhất là của các ngân hàng thương mại Nhà nước đã được nâng lên một bước.
Tính đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng còn 2,46% tổng dư nợ, giảm rất nhiều so với năm 2015. Trong năm qua, nợ xấu phát sinh mới trong hệ thống cũng giảm so với các năm trước nên khối lượng nợ xấu bán cho VAMC cũng thấp hơn.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, phần lớn nợ xấu được các ngân hàng giải quyết bằng việc sử dụng dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo và thu nợ xấu từ khách hàng trong khi số nợ bán cho VAMC giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, các ngân hàng yếu kém được kiểm soát, tái cơ cấu, giám sát chặt chẽ hoạt động, các tồn tại, yếu kém tiếp tục được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm. Năm 2016, công tác thanh tra, giám sát hoạt động của ngân hàng tiếp tục được tăng cường, qua đó hỗ trợ tích cực cho thực thi chính sách tiền tệ và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm 2016 đã được thực hiện rất trọng tâm. Công tác tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước tiếp nối công việc của giai đoạn kết, thực hiện đánh giá lại công việc của giai đoạn trước.
Xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém
Cũng theo ông Hưng, trong giai đoạn 2017-2020, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đối với 3 ngân hàng "0 đồng" cùng với một số ngân hàng yếu kém khác.
Theo đó, 3 ngân hàng "0 đồng" là CBBank, OceanBank, GPBank cùng ngân hàng DongABank và một vài ngân khác sẽ nằm trong đề án tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu của giai đoạn này.
Ngân hàng Nhà nước đã trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý những ngân hàng nói trên. Sau khi được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém này.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới cơ quan này cũng sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, bao gồm các Quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính, cho thuê tài chính.
Với hệ thống quỹ tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ phương án xử lý những tổ chức tín dụng không có khả năng phục hồi.
"Việc xử lý dứt điểm những tổ chức tín dụng yếu kém thời gian tới sẽ giúp hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam phát triển tốt hơn trong thời gian tới," ông Hưng nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, đối với 3 ngân hàng 0 đồng cũng như DongABank, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát, tái cơ cấu để có những chỉ đạo cụ thể.
“Thống đốc rất quyết liệt chỉ đạo để thực hiện triển khai xử lý những ngân hàng 0 đồng này. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trình Thủ tướng,” bà Hồng cho biết.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai mạnh mẽ trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản, ổn định và phát triển hệ thống. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện và tham mưu, triển khai phương án tái cơ cấu để đảm bảo mục tiêu đặt ra.
Được biết, sau khi mua lại 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho các ngân hàng mà Nhà nước nắm quyền chi phối là VietinBank, Vietcombank tham gia hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu, đổi tên các ngân hàng thành Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
GPBank được chuyển đổi mô hình kể từ ngày 7/7/2015. Sau khi chuyển đổi vẫn mang tên GPBank nhưng nhận diện thương hiệu đã thay đổi. Từ 1 ngân hàng âm vốn, GPBank nay có vốn điều lệ 3.018 tỷ đồng và không ngừng mở rộng với gần 80 chi nhánh/phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm trên toàn quốc cùng đội ngũ hơn 1.400 cán bộ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.
Còn OceanBank hiện có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động bao gồm 21 chi nhánh và 101 phòng giao dịch.
Ngân hàng Xây dựng trong khi đó có những thay đổi nhiều nhất. Sau khi được mua lại và chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên kể từ ngày 5/3/2015, ngân hàng được đổi thành CBBank với nhận diện thương hiệu cũng hoàn toàn mới.
Sau khi đi vào hoạt động cả 3 ngân hàng này đã có nhiều thay đổi như huy động vốn tốt, ổn định thanh khoản, tập trung xử lý thu hồi nợ đồng thời tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức một cách khoa học và đã bắt đầu có lãi.
Mặc dù vậy, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, năng lực tài chính của những ngân hàng này còn rất yếu kém, lỗ âm vốn chủ sở hữu trong khi đó nguồn lực tài chính cho các ngân hàng này vẫn là vấn đề rất nan giải.
Các chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2017-2020 tập trung vào các vấn đề chưa xử lý được trong giai đoạn tái cấu trúc trước, đặc biệt là xây dựng về thể chế sẽ giúp ngành ngân hàng Việt Nam phát triển tốt hơn trong thời gian tới./.