Tiến độ thu ngân sách quý 1 theo lãnh đạo Bộ Tài chính là khá tốt. Tuy vậy, nợ thuế hiện đang diễn biến phức tạp và đã gần chạm mốc 83.000 tỷ đồng.
Có "của ăn của để"
Báo cáo tại hội nghị công tác thuế chiều 18/4, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong quý 1, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 305.610 tỷ đồng, bằng 26,2% so với dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số này, riêng thu nội địa đạt 292.019 tỷ đồng, bằng 26% so với dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
[Đề xuất xóa nợ thuế: "Nếu không đúng, doanh nghiệp đâu có chịu"]
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đánh giá, kết quả thu nội địa 3 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với một số năm gần đây.
Nhiều khoản thu lớn theo ông đạt khá như thu từ sản xuất kinh doanh đạt 25,2% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ, thuế thu nhập cá nhân đạt 30% dự toán, tăng 18,4%; lệ phí trước bạ đạt 26,8% dự toán, tăng 23,3%.
Theo thống kê, có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt trên 25% dự toán, trong đó một số nơi đạt cao như: Sóc Trăng; An Giang ; Bến Tre; Bắc Ninh; Bình Định...
Mặc dù có kết quả trên là cao so với cùng kỳ nhiều năm nhưng ông Phi Vân Tuấn cũng chỉ ra, so với mục tiêu phấn đấu đã giao tại quyết định của Tổng cục Thuế, thu ngân sách quý 1 mới đạt 23,9%.
Với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ông nhìn nhận, quý 1 thu ngân sách "khá tốt" bởi có "của ăn của để."
"Tăng trưởng quý 4 năm ngoái cao nên có dư địa sang quý 1 năm nay," Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo ông, quý 1 năm nay tăng trưởng cao hơn so với hàng năm nên cũng tạo điều kiện cho thu ngân sách.
Với quý 2, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu thu ngân sách đạt mức 50-52 dự toán thì nhiệm vụ cơ bản được hoàn thành.
Hơn 37.000 tỷ đồng nợ thuế khó đòi
Tuy nhiên, ở hướng khác, theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, tình hình nợ đọng thuế còn phức tạp. Mặc dù trong quý 1, cơ quan chức năng đã truy thu được 7.450 tỷ đồng nhưng lại phát sinh các khoản nợ đọng mới.
Qua đó, tổng số nợ đọng đến hết tháng Ba năm nay là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019. Con số này tăng 8,7% so với thời điểm 31/12/2018.
Trong số này, tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ. Còn lại, nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.
Ông Phi Vân Tuấn nêu vấn đề, một trong những nguyên nhân khiến nợ đọng tăng ở hầu hết các địa phương là doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản.
Ngoài ra, một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được.
Ông cũng không phủ nhận việc một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chưa phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng ở địa phương để xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
Từ đó, một trong những giải pháp được đại diện ngành thuế nhắc tới là phân công, giao nhiệm vụ thu nợ đọng và xử lý nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo phòng, chi cục thuế.
Đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu, ông Tuấn đề nghị các đơn vị tổ chức lập thủ tục, hồ sơ xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp.
Riêng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nghị quyết về xử lý các khoản nợ thuế không có khả năng thu đã được bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự kiến, nghị quyết sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay./.