Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka ngày 13/11 đã bác bỏ khả năng quay trở lại vấn đề bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Cộng hòa Séc.
Phát biểu trong cuộc tranh luận trên truyền hình Séc, Thủ tướng Sobotka gọi việc nối lại cuộc thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Séc là "sự viễn tưởng khoa học" mà Washington vừa nêu ra.
Theo ông, việc bố trí các trạm ra đa cảnh giới báo động sớm về một cuộc tấn công tên lửa thuộc hệ thống "lá chắn tên lửa" của Mỹ ở Cộng hòa Séc sẽ làm xấu đi mối quan hệ với Nga. Vì vậy, Cộng hòa Séc phản đối kế hoạch này.
Trước đó, Đài Phát thanh Praha đưa tin Thủ tướng Sobotka tuyên bố Cộng hòa Séc sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đúng cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng phải sau năm 2025.
Đây là một trong những điều kiện quan trọng để các nước thành viên NATO có thể nhận được sự hỗ trợ theo như cam kết trong nội dung tranh cử của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Từ năm 2011, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của chính quyền Mỹ tại một số nước Trung và Đông Âu đã làm cho quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên căng thẳng.
Các quan chức Nhà Trắng đã tiến hành nhiều cuộc thương lượng với lãnh đạo của Cộng hòa Séc và Ba Lan về việc bố trí tại Séc một trạm ra đa cảnh giới báo động sớm và bố trí tại Ba Lan khoảng 10 tổ hợp tên lửa đánh chặn, một phần trong hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu.
Phía Mỹ khẳng định, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Cộng hòa Séc và Ba Lan là một biện pháp an ninh cần thiết, cấp bách để bảo vệ Mỹ và châu Âu trước các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng bằng tên lửa chứ không nhằm đe dọa Nga.
Tuy nhiên, Nga phản ứng quyết liệt và tuyên bố sẽ có các biện pháp quân sự thích đáng nếu Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Trung và Đông Âu./.