Séc bãi bỏ hệ thống Visapoint do làm nảy nở nạn tham nhũng

Theo giới truyền thông Séc, hệ thống Visapoint, triển khai từ 2009 ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, là "mảnh đất màu mỡ" cho nạn nhũng nhiễu công dân nước ngoài có nhu cầu xin thị thực vào nước này.
Séc bãi bỏ hệ thống Visapoint do làm nảy nở nạn tham nhũng ảnh 1Ông Marcel Winter trong một cuộc họp báo “tố” Visapoint có quá nhiều bất cập. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, từ tháng 11/2017 tại Cộng hòa Séc có một số thay đổi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như những công dân nước ngoài muốn xin thị thực vào Séc. Điều đáng chú ý nhất là hệ thống Visapoint bị bãi bỏ sau một thời gian dài bị phê phán là không hiệu quả và là mảnh đất màu mỡ cho các tiêu cực nảy nở.

Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc, hệ thống đăng ký lịch phỏng vấn để xin thị thực vào Cộng hòa Séc có tên gọi là Visapoint tuy bị bãi bỏ từ ngày 31/10 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày 24/11.

Kể từ ngày 25/11, những công dân nước ngoài có nhu cầu đăng ký lịch phỏng vấn để xin thị thực vào Séc sẽ phải gọi điện hoặc gửi thư điện tử (e-mail) tới Phòng lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa Séc đóng trên lãnh thổ nước mình.

Bộ Ngoại giao Séc cũng không nói rõ rằng việc gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử là phương thức duy nhất và vĩnh viễn hay chỉ là biện pháp tạm thời. Không loại trừ sẽ có cách thức khác thay thế Visapoint nhằm giảm tải cho các cơ quan lãnh sự Séc ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Séc lý giải rằng “có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc từ bỏ Visapoint, trong đó có việc hết hạn hợp đồng với đối tác.” Tuy nhiên, theo giới truyền thông Séc thì hệ thống Visapoint được thực hiện từ năm 2009 và càng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, tạo điều kiện cho tầng lớp trung gian nhũng nhiễu công dân nước ngoài có nhu cầu xin thị thực vào Cộng hòa Séc.

[Tòa án Séc phê phán hệ thống cấp thị thực cho công dân Việt Nam]

Tháng Sáu vừa qua, Tòa án Hành chính tối cao Séc (TAHCTC) đã đưa ra phán quyết chính thức là “hệ thống xét cấp thị thực (vào Cộng hòa Séc) tạo điều kiện cho tệ tham nhũng” từ phía một nhóm người thực thi công vụ của Séc thông qua đội quân môi giới.

TAHCTC kết luận rằng các lỗi của Visapoint đã được chỉ ra ngay từ đầu và hiện tại đã trở thành rào cản không thể vượt qua đối với công dân một số nước, điển hình là Việt Nam và Ukraine. Họ chỉ có thể đăng ký được lịch phỏng vấn và nộp hồ sơ tại Phòng lãnh sự của Đại sứ quán Séc thông qua lực lượng trung gian rất đông đúc với khoản chi phí không nhỏ.

Theo TAHCTC, Chính phủ Séc trong một thời gian dài không xử lý được những điểm bất cập do Visapoint bị biến tướng.

Séc bãi bỏ hệ thống Visapoint do làm nảy nở nạn tham nhũng ảnh 2Visapoint làm cho tình trạng thiếu nhân lực trong các doanh nghiệp Séc trở nên trầm trọng. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Theo số liệu của do Radio Praha đưa ra, trong số 277 trường hợp công dân Ukraine đăng ký phỏng vấn qua Visapoint thì chỉ có 5 người thành công. Trong số 100 người Ukraine nỗ lực tiếp cận cơ quan lãnh sự Séc thì có tới 98 người phải nhờ đến "dịch vụ." Các công dân Việt Nam muốn đến Séc cũng gặp phải vấn đề tương tự, thậm chí khó khăn hơn.

Các doanh nghiệp Séc cần hàng chục nghìn công nhân từ Việt Nam và Ukraine nhưng phần lớn người lao động nước ngoài không thể đến được các nhà máy, xí nghiệp ở Séc do rào cản thị thực. Hệ thống Visapoint không giúp gì được họ, mà ngược lại, đã đi xa khỏi mục đích ban đầu, cản trở việc tiếp cận cơ quan lãnh sự Séc.

Ông Marcel Winter, một nhà hoạt động xã hội tích cực ở Séc, trong nhiều năm qua đã kịch liệt phê phán hệ thống Visapoint, coi đây thực chất là rào cản thị thực chứ không phải là biện pháp giảm tải và đơn giản hóa thủ tục xin và cấp thị thực. Ông liên tục tổ chức họp báo, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Séc đòi Bộ Ngoại giao bãi bỏ Visapoint.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN ngày 2/11, ông Winter nhấn mạnh: “Hủy bỏ Visapoint là việc làm đúng đắn, tôi rất vui vì điều này. Tiếc rằng quyết định của Bộ Ngoại giao Séc quá chậm trễ. Trong nhiều năm qua hệ thống Visapoint cùng với thái độ thiếu thiện chí đối với lao động nước ngoài đã khiến cho các doanh nghiệp Séc thiếu hụt cả trăm nghìn nhân công, không thể mở rộng sản xuất, làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân”./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.