Ngày 12/9, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Cộng hòa Séc, ông Tomas Tuhy cho biết Prague đã triển khai thêm 1.100 cảnh sát ở nước ngoài nhằm kiểm soát dòng người di cư tại các đường biên giới châu Âu trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đang mâu thuẫn về phân bổ hạn ngạch người di cư.
Theo phóng viên TTXVN tại Prague, lực lượng cảnh sát Séc ở nước ngoài chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, theo dõi tình hình, kiểm tra an ninh và kiểm tra các phương tiện vận tải.
Theo ông Tuhy, kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát vào năm 2015 đến nay, đã có 760 cảnh sát Séc được cử làm nhiệm vụ tại các nước Hungary, Macedonia, Serbia, Hy Lạp và Slovenia theo các thỏa thuận song phương. Lực lượng trên chủ yếu được triển khai tại các quốc gia trên "tuyến đường Balkan" mà hàng trăm nghìn người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để trốn sang Trung Âu.
[Infographics] Tòa án châu Âu ra phán quyết về tiếp nhận người tị nạn
Bên cạnh đó, Chính phủ Séc cũng đã gửi 330 cảnh sát tham gia European Frontex, cơ quan phụ trách bảo vệ đường biên giới và bờ biển của châu Âu. Thông qua European Frontex, nhân viên an ninh của Séc được đưa tới làm nhiệm vụ tại các nước Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ông Tuhy cho biết nhiệm vụ của nhóm cảnh sát này là bảo vệ đường biên giới vành ngoài của EU.
Chính phủ Cộng hòa Séc đang tập trung bảo vệ chặt chẽ đường biên giới vành ngoài EU và duy trì quan điểm từ chối việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Trước đó, ngày 10/9, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc Milan Chovanec nêu rõ Praha có thể tham gia nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng hình thức khác chứ không nhất thiết phải tiếp nhận người tị nạn.
Hôm 6/9, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cũng tuyên bố nước này không cần phải chấp nhận các cơ chế bắt buộc về phân bổ người di cư giữa các nước thành viên trong EU, cho rằng việc tiếp nhận người di cư Hồi giáo tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Séc khi những phần tử mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan có thể trà trộn vào dòng người di cư.
EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn, nhưng mục tiêu này đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu./.