Séc và Hungary ứng phó với cuộc khủng hoảng người nhập cư

Trước làn sóng nhập cư trái phép quá lớn, Séc và Hungary đã phải đưa ra nhiều biện pháp ứng phó như bổ sung ngân sách hay huy động quân đội bảo vệ đường biên giới.
Séc và Hungary ứng phó với cuộc khủng hoảng người nhập cư ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Conversation)

Theo Chính phủ Cộng hòa Séc, năm 2016 sẽ có khoảng 5.000-7.000 người nhập cư bất hợp pháp đổ vào nước này, tăng gần gấp hai lần so với con số ước tính trong năm nay - gần 3.500 người.

Theo báo cáo vừa công bố hồi tuần trước của Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec, mặc dù đã thông qua quyết định tiếp nhận 1.500 người tị nạn từ các nước phía Nam châu Âu trong thời gian từ nay cho đến năm 2017, nhưng làn sóng người nhập cư trái phép quá lớn khiến chính phủ nước này phải đưa ra nhiều biện pháp ứng phó.

Ngoài quyết định chi bổ sung cho Bộ Nội vụ hơn 230 triệu koruna (hơn 9 triệu USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay, Chính phủ Séc dự định xem xét thêm khoản kinh phí 1 tỷ koruna (40 triệu USD) cho các hoạt động này trong năm 2016 theo đề xuất của Bộ Nội vụ tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước vào tháng 8 tới.

Theo ông Chovanec, Bộ Nội vụ Séc cần thêm kinh phí để nới rộng biên chế nhân viên và cảnh sát thêm khoảng 800 người, cũng như cung cấp thêm 900 giường và 250 căn hộ dành cho việc tiếp nhận người nhập cư.

Hiện Bộ Nội vụ Séc chỉ có 4 trại tị nạn với khoảng 700 giường.

Trước khả năng làn sóng người tị nạn tràn vào nước này do tình hình ở miền Đông Ukraine trở nên căng thẳng, Tổng thống Séc Milos Zeman cũng để ngỏ khả năng huy động quân đội bảo vệ các đường biên giới.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, quân đội Hungary đã khởi công xây tường rào ở ngoại ô thị trấn Morahalom, miền Nam nước này, nhằm ngăn chặn dòng người di cư tràn qua biên giới từ phía Serbia.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết tường rào cao 4 m, dài 175km nói trên sẽ được xây dựng ở 8-10 khu vực chịu sức ép lớn nhất từ làn sóng di cư.

Chỉ riêng trong năm nay đã có hơn 70.000 người di cư tràn vào lãnh thổ Hungary và khoảng 80% trong số này đến từ các nước đang xảy ra chiến tranh như Syria, Iraq và Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.