Sếp VNPT trải lòng về những lo lắng trong quá trình chuyển đổi số

Dù đã gặt “trái ngọt” sau tái cơ cấu khi 4 năm liên tiếp đạt tăng trưởng trên 20% nhưng lãnh đạo VNPT còn nhiều lo lắng khi doanh nghiệp này bước vào quá trình chuyển đổi số.
Sếp VNPT trải lòng về những lo lắng trong quá trình chuyển đổi số ảnh 1Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết, tập đoàn này sẽ cổ phần hóa vào năm 2019. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Dù đã gặt “trái ngọt” sau tái cơ cấu khi 4 năm liên tiếp đạt tăng trưởng trên 20% nhưng lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) còn nhiều lo lắng khi doanh nghiệp này bước vào quá trình chuyển đổi số.

Nhân dịp đầu năm mới Mậu Tuất, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT đã chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn mà đơn vị này sẽ gặp phải trong quá trình đưa doanh thu số trở thành nguồn tăng trưởng chính của đơn vị này.

Chuyển dịch số mạnh mẽ

- VNPT đón năm Mậu Tuất với nhiều thành quả sau quá trình tái cấu trúc tập đoàn. Mới đây, Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2018-2020 nhằm xây dựng VNPT thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam… Xin ông cho biết, tinh thần của người VNPT thế nào?

Ông Phạm Đức Long: Sau khi hoàn thành tái cấu trúc, tôi cảm nhận được tinh thần, khí thế của VNPT lên rất cao, cả hệ thống chưa bao giờ có khí thế như vậy. Người VNPT đang tập trung hết mình cho công việc chung, mục tiêu chung. Họ xác định làm việc là làm cho mình và đã loại bỏ được tâm lý làm đối phó. Khi người lao động xác định làm cho mình thì họ dồn tâm sức, làm tốt hơn và đạt kết quả tốt hơn.

Kết thúc năm 2017, lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 5.010 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2016 và là năm thứ 4 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Tổng doanh thu đạt 144.747 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016, mộp ngân sách Nhà nước đạt 4.116 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2016.

Thực tế trong năm 2017, VNPT thực hiện chiến dịch “doanh thu sạch”, nên cũng bị giảm hàng trăm tỷ đồng từ dịch vụ giá trị gia tăng. Hiện dịch vụ giá trị gia tăng của VNPT liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ đã đảm bảo chỉ kích hoạt dịch vụ khi khách hàng đăng ký và xác thực việc đăng ký của mình. Do vậy khiếu nại của khách hàng về các dịch vụ giá trị gia tăng là rất ít… Dù gây sụt giảm doanh thu nhưng đây là quyết tâm của lãnh đạo VNPT để làm lành mạnh hóa việc kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng. Nhưng bù lại chúng tôi đã tối ưu hóa về chi phí để có kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ. Cùng lúc, lợi nhuận của chúng tôi cũng rất tốt khi các khoản đầu tư có hiệu quả.

[VNPT đạt tăng trưởng lợi nhuận trên 20% năm thứ tư liên tiếp]

- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang trong tiến trình chuyển đổi số. Phương án tái cơ cấu VNPT được Chính phủ phê duyệt nhằm đưa tập đoàn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam, Trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nam Á và châu Á... Vậy, Tập đoàn sẽ phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?

Ông Phạm Đức Long: Theo phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây theo Quyết định số 2129/QĐ-TTg, VNPT sẽ thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT); nghiên cứu thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT-Global).

VNPT đang chuyển dịch mạnh mẽ để thích ứng với nền kinh tế số, thành doanh nghiệp số, nhà cung cấp dịch vụ số. Do đó, chúng tôi cần một doanh nghiệp chủ lực về công nghệ thông tin bởi trước đây nguồn lực công nghệ thông tin nằm rải rác ở các đơn vị. Do đó, chúng tôi cần một đơn vị chủ lực về công nghệ thông tin như VNPT-IT.

Mấy năm qua, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin, VNPT đã làm được những điều tưởng như không thể: từ những sản phẩm CNTT còn khiêm tốn, đến nay VNPT đã xây dựng và triển khai rộng rãi các giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT tới 61 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó 5 tỉnh/thành phố đã triển khai 100% đến cấp xã/phường; đã cung cấp: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) cho hơn 8.000 đơn vị (tăng gấp 4 lần so với năm 2016); Phần mềm Một cửa điện tử (VNPT-iGate) cho gần 1.500 đơn vị (tăng gấp 3 lần); Cổng thông tin điện tử (vnPortal) cho trên 2.400 đơn vị (tăng gấp 1,2 lần); phần mềm khám chữa bệnh (VNPT-HIS) cho 7.300 cơ sở y tế (tăng 300 cơ sở); phần mềm giáo dục (vnEdu) với 12.000 trường học sử dụng, cung cấp hơn 2.4 triệu sổ liên lạc điện tử (tăng gấp 2 lần), gần 5 triệu hồ sơ học sinh (tăng 1,2 triệu), cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng tại tất cả các địa phương trên cả nước.

Về đô thị thông minh, VNPT đang xây dựng đề án cho hơn 17 tỉnh/thành phố và đã triển khai giai đoạn 1 ở huyện đảo Phú Quốc. Quan điểm của VNPT khi xây dựng Smart city là tạo ra giải pháp cho thúc đẩy kinh tế xã hội và phục vụ cho người dân. Người dân tương tác để cảm nhận đang sống ở trong môi trường thông minh chứ không phải đưa 1-2 sản phẩm vào rồi gọi đó là thông minh thì không đúng.

Còn VNPT-Global sẽ giúp chúng tôi tiến xa hơn ra thị trường quốc tế. VNPT Global sẽ phụ trách việc đầu tư nước ngoài của VNPT, trước mắt là thị trường Myanmar và Bangladesh. Hiện thế mạnh của VNPT là băng thông rộng cố định, chúng tôi hoàn toàn có cơ hội để đẩy mạnh phát triển ra thị trường nước ngoài để hướng tới mục tiêu trở thành Hub của khu vực châu Á.

Những gì chúng tôi đang làm là bước khởi đầu để đạt được mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Services) hàng đầu Việt Nam và Trung tâm chuyển dịch số (Digital Hub) tại thị trường Đông Nam Á và châu Á.


- Doanh thu từ các dịch vụ công nghệ thông tin hiện chiếm bao nhiêu trong tổng số doanh thu của VNPT? Thời gian tới, đây có phải là “chiến trường chính” của VNPT hay không?

Ông Phạm Đức Long: Thực sự hiện nay doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng chưa cao. Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trong ngành y tế đạt được rất khiêm tốn, nhưng có 2 mục tiêu của Chính phủ mà VNPT đã đạt được. Một là tin học hóa khám chữa bệnh và kết nối với bảo hiểm; hai là hỗ trợ, phục vụ người dân. Tương tự, Chính phủ điện tử cũng vậy, mới chủ yếu phục vụ điều hành địa phương.

Tôi cho rằng, tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế số là quá lớn, ngày càng tiện ích và là vô bờ, không bị hạn chế, đủ cho mọi người tham gia và chia sẻ với nhau trên đó. Vấn đề quan trọng nhất là có sản phẩm tốt hay không, được thị trường chấp nhận hay không.

Trong thời gian tới, tăng trưởng của doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin phụ thuộc vào doanh thu số, bởi các dịch vụ viễn thông cơ bản thì mỗi nhà một cáp quang, điện thoại cũng đủ. “Miếng bánh” viễn thông không “nở” nữa. Vậy cái gì sẽ chạy trên đường truyền? Đó chính là ứng dụng số, nội dung số.

Sếp VNPT trải lòng về những lo lắng trong quá trình chuyển đổi số ảnh 2Thách thức của VNPT trong quá trình chuyển đổi số là nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa: VNP)


Nhiều thách thức

- Theo ông, thách thức lớn nhất của VNPT khi chuyển sang nền kinh tế số là gì?

Ông Phạm Đức Long: Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và VNPT nói riêng khi chuyển sang kinh tế số chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ví dụ như, đối với VNPT là làm sao có nguồn nhân lực thích ứng với kỷ nguyên số khi nguồn nhân lực sẵn có không sẵn sàng với nền kinh tế số. VNPT có đội ngũ lớn trước làm viễn thông giờ có thể đào tạo chuyển đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn vướng về cơ chế và quy định. Ví dụ đô thị thông minh là gì, định nghĩa thế nào? Chưa có quy chuẩn quy định cụ thể, dẫn đến việc gắn camera, cảm biến rồi bảo đó là đô thị thông minh… Nhiều định nghĩa, nội hàm chưa rõ nên sẽ vất vả trong triển khai. Cơ chế về tài chính, thuê mua các sản phẩm đóng gói thế nào cũng là bài toán cần giải quyết.

- VNPT đã làm gì để có nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu phát triển mới bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực sẵn có?

Ông Phạm Đức Long: Chúng tôi có cơ chế tốt để giữ cũng như tuyển dụng người tài. Mức lương cho người tài ở VNPT là không hạn chế. Có mức quy định cụ thể, song cũng có mức theo đàm phán, năng lực thực tế. Vừa qua, nhiều nhân sự ở nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhiều người học bài bản ở nước ngoài về đầu quân cho VNPT. Song, con số này là chưa đủ.

- Còn về kế hoạch cổ phần hóa Tập đoàn, thưa ông?

Ông Phạm Đức Long: Vấn đề cổ phần hóa Tập đoàn chúng tôi dự kiến 2019 sẽ tiến hành, cuối 2018 sẽ định giá thương hiệu và xác định giá trị doanh nghiệp.

Lý do chọn năm 2019 bởi thời điểm này mức tăng trưởng sẽ bền vững nên việc cổ phần hóa sẽ có lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục