Serbia: Biểu tình phản đối, đòi chính quyền Kosovo từ chức

Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thành phố Pristina, thủ phủ của Kosovo và tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động phản đối cho tới khi chính quyền vùng từ chức.
Serbia: Biểu tình phản đối, đòi chính quyền Kosovo từ chức ảnh 1Người biểu tình tập trung trước tòa nhà chính quyền Kosovo tại Pristina. (Ảnh: AFP)

Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thành phố Pristina, thủ phủ của Kosovo, vùng lãnh thổ đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Serbia, và tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động phản đối cho tới khi chính quyền vùng từ chức.

Những người biểu tình tập trung trước cửa tòa nhà chính phủ tại Pristina từ ngày 23/2 và hạ trại qua đêm ngay tại đây để tiếp tục biểu tình cả ngày 24/2 bất chấp thời tiết mưa gió.

Cuộc biểu tình diễn ra dưới lời kêu gọi của phe đối lập tại Kosovo với mục đích ngăn cản phiên họp nghị viện dự kiến diễn ra ngày 26/2.

Theo kế hoạch, tại phiên họp này, cơ quan lập pháp Kosovo sẽ bỏ phiếu đưa người đứng đầu ngành ngoại giao Hashim Thaci lên nắm chính quyền.

Phe đối lập kịch liệt phản đối kế hoạch này, đồng thời cáo buộc chính quyền tham nhũng và gây cản trở sự phát triển của cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số ở tỉnh ly khai này.

Từ nay tới ngày 7/3, nếu nghị viện không thể bầu ra người đứng đầu chính quyền thì vùng này sẽ phải tổ chức bầu cử sớm.

Kể từ tháng 10/2015, phe đối lập đã tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình nhằm vô hiệu hóa chức năng của cơ quan lập pháp.

Hồi tháng 11, hàng trăm người biểu tình đã ném đất đá, chai lọ và bom xăng bên ngoài tòa nhà chính phủ ở thành phố Pristina của Kosovo nằm phản đối thỏa thuận ký năm 2013 giữa Kosovo và Serbia do EU làm trung gian.

Theo thỏa thuận này, Kosovo sẽ lập hiệp hội các thành phố đứng đầu là người Serbia.

Phe đối lập không ủng hộ do lo ngại thỏa thuận mới sẽ gây chia rẽ Kosovo và gia tăng ảnh hưởng của người Serbia tại vùng lãnh thổ có đa số là người gốc Albania sinh sống này.

Kosovo đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia từ năm 2008 và hiện đã được hơn 100 quốc gia trên thế giới công nhận độc lập, song vùng lãnh thổ này vẫn chưa được kết nạp vào Liên hợp quốc.

Trong số 28 nước thành viên EU, hiện có 23 nước đã công nhận Kosovo.

Về phần mình, Serbia vẫn kiên quyết phản đối Kosovo là một nhà nước độc lập.

Năm 2013, Kosovo và Serbia đã ký thỏa thuận do EU làm trung gian về tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, nhằm mở đường cho Serbia bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU ngay sau đó.

Hiện Kosovo cũng đã ký thỏa thuận liên kết với EU, hy vọng có thể gia nhập liên minh này trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.