Serbia đơn phương rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro

Trước đó, Serbia quyết định trục xuất Đại sứ Milosevic sau khi phía Montenegro tuyên bố Đại sứ Serbia tại Montenegro Vladimir Bozovic là "nhân vật không được hoan nghênh."
Serbia đơn phương rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro ảnh 1Serbia đã rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro Tarzan Milosevic. (Nguồn: argumenti.rs)

Thủ tướng Serbia Ana Brnabic tối 29/11 thông báo nước này rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro tại Serbia, động thái được cho là nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng.

Sau cuộc họp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Ngoại trưởng Nikola Selakovic, Thủ tướng Brnabic cho biết chính phủ nước này đã rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro Tarzan Milosevic được đưa ra tối 28/11.

Trong một thông cáo báo chí tối 29/11, Thủ tướng Brnabic nêu rõ: "Tối nay, Serbia đơn phương rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro tại Serbia."

Serbia quyết định trục xuất Đại sứ Milosevic sau khi phía Montenegro tuyên bố Đại sứ Serbia tại Montenegro Vladimir Bozovic là "nhân vật không được hoan nghênh."

Thủ tướng Brnabic nhấn mạnh mặc dù quyết định của Serbia trục xuất Đại sứ Montenegro có đầy đủ cơ sở theo Điều 9 Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao như một biện pháp đáp trả việc Montenegro trục xuất Đại sứ Serbia, song "cuộc sống và tình hữu nghị với Montenegro quan trọng hơn."

[Serbia và Montenegro xuất hiện những căng thẳng ngoại giao mới]

Thủ tướng Brnabic nêu rõ sự ổn định tại khu vực, hợp tác và tình hữu nghị với Montenegro - những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Serbia và Tổng thống Aleksandar Vucic - là lý do cơ bản để rút lại quyết định trục xuất Đại sứ Montenegro. Một lý do khác là 30% dân số Montenegro có nguồn gốc Serbia.

Ngày 28/11 vừa qua, Serbia và Montenegro đã có động thái đáp trả ngoại giao lẫn nhau, theo đó thông báo trục xuất đại sứ của mỗi bên.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Montenegro cho biết Đại sứ Serbia Vladimir Bozovic "là nhân vật không được hoan nghênh" vì can thiệp vào công việc nội bộ của Montenegro. Sau đó, Bộ Ngoại giao Serbia đáp trả bằng thông báo Đại sứ Montenegro Tarzan Milosevic có 72 tiếng để rời Serbia.

Cộng hòa Serbia và Cộng hòa Montenegro từng là thành viên Liên bang Nam Tư cũ (tồn tại tới đầu thập niên 90 của thế kỷ 20) và Liên bang Nam Tư mới (thành lập năm 1992 sau khi Liên bang Nam Tư cũ tan rã).

Năm 2003, hai nước này thành lập Nhà nước Serbia-Montenegro, thay thế Liên bang Nam Tư mới. Nhà nước mới là hình thức liên bang lỏng lẻo hơn, theo đó hai nước cộng hòa thành viên thực chất chỉ gắn bó với nhau trong các vấn đề quốc phòng và ngoại giao.

Tuy nhiên, năm 2006, cả hai đã tuyên bố tách ra thành hai nước độc lập. Kể từ đó, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng không ít lần rơi vào căng thẳng do những vấn đề tranh cãi trong lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.