Trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội đang khiến hàng triệu người lao động không được hưởng những quyền lợi chính đáng về các chế độ bảo hiểm. Nguyên nhân chủ yếu là do những quy định về chế tài xử phạt chưa nghiêm, khiến tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến hơn.
Thực trạng và những giải pháp cho vấn đề này đã được những người trực tiếp thi hành chính sách bảo hiểm xã hội đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội: Nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5.
Chỉ có 50% số doanh nghiệp đóng BHXH
Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá phức tạp. Nhiều doanh nghiệp thành lập, sử dụng lao động nhưng trốn đóng hoặc chậm đóng bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), hiện nay, số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là khoảng trên 500.000 doanh nghiệp nhưng thực tế có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số này chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, còn 50% doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hộ cho người lao động.
Mặt khác, theo thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ có 11 triệu người, còn trên 5 triệu người thuộc đối tượng bắt buộc nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng với số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên tới 56.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dù đã có đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn nợ đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Trần Đình Liệu cho biết, có một thực tế đáng buồn là nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra ở hầu hết các địa phương. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ này là trên 11.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều đơn vị nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Không chỉ chậm đóng, một số chủ doanh nghiệp còn trích trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động nhưng không đóng mà chiếm dụng số tiền này để làm vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tăng mức xử phạt, thêm quyền thanh tra
Những kẽ hở về luật pháp đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội nhưng không bị trừng phạt thích đáng. Thậm chí, số tiền chậm đóng còn được sử dụng như một nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp vì lãi chậm đóng thấp hơn lãi suất khi đi vay vốn từ các ngân hàng.
Hiện nay, những vi phạm trong việc chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ được quy định là hành vi vi phạm hành chính với mức xử phạt không có sức răn đe. Thậm chí, việc xử lý vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng chưa được quy định rõ trong luật.
Tại các địa phương, ngay cả khi đã có những kết luận của tòa án thì việc thu hồi số nợ cũng rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay sau khi tòa tuyên án thu hồi số nợ, bảo hiểm xã hội phối hợp cùng với các cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội nhưng các ngân hàng kéo dài thời gian phong tỏa, doanh nghiệp có thời gian rút tiền trong tài khoản ra, đến khi phong tỏa và tịch thu số dư tài khoản chỉ thu được vài triệu đồng trong khi số nợ là vài tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng ngày càng phổ biến, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã đề xuất tăng mức lãi suất chậm đóng lên gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng để doanh nghiệp không chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Tuy nhiên, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị phải quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Luật Hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm hành chính mới đủ sức răn đe và đề xuất trao quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn… cho cơ quan bảo hiểm xã hội để xử lý chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Bên cạnh việc sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tế, việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định cũng đang được xem xét. Hiện nay, lực lượng thanh tra ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ khoảng 500 người là quá ít so với số lượng hàng trăm nghìn doanh nghiệp nên rất khó đảm bảo thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời.
Từ thực tế trên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhận định, trong khi nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ngày càng phổ biến, ngành bảo hiểm xã hội là cơ quan trực tiếp tiếp cận với việc thu, chi nên có thể phát hiện những sai phạm nhưng lại không chủ động can thiệp được do không có chức năng thanh tra.
Bà Nguyễn Thị Minh đề xuất, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nên trao cho cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam được trao quyền thanh tra thì nhiều vấn đề vi phạm về bảo hiểm xã hội sẽ được giải quyết, việc nợ đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hạn chế tối đa./.