“Siêu dự án đường thủy kết hợp thủy điện sẽ ‘giết chết’ sông Hồng”

“Nếu xây dựng 6 đập thủy điện liên tiếp sẽ giết chết sông Hồng đồng thời sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái sông ngòi ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc."
“Siêu dự án đường thủy kết hợp thủy điện sẽ ‘giết chết’ sông Hồng” ảnh 1Tuyến cao tốc Nội Bài–Lào Cai đi ven theo bờ sông Hồng. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Nếu xây dựng 6 đập thủy điện liên tiếp sẽ giết chết sông Hồng đồng thời sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái sông ngòi ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc. Từ trước tới nay, chỗ nào có thể làm thuỷ điện thì sông suối đều đã bị băm nát và không còn nguyên vẹn.

Trong việc này, chúng ta không thể đánh đổi 228 MW điện với việc huỷ hoại sông Hồng, nguồn sinh kế của hàng triệu người được. Tôi không thể hình dung được sẽ như thế nào nếu cả 6 cái đập cùng vận hành một lúc.”

Đó là chia sẻ của tiến sỹ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư kí Uỷ ban sông Mekong Việt Nam trước việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện đề xuất Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện vừa được trình Thủ tướng Chính phủ.

"Siêu dự án" chỉ ảnh hưởng khoảng 600 người?

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì-Lào Cai) kết hợp thủy điện, triển khai theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).

Siêu dự án này do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện - thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 24.500 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện, Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp với thủy điện khi hoàn thành sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội rất lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực vận tải trên đường bộ, đường sắt tuyến Hà Nội-Lào Cai.

Cũng theo báo cáo của nhà đầu tư, “siêu dự án” trên sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai-Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).

Theo tính toán, với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu 10.000 - 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/kWh)… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn dự án trong vòng 25 năm.

Trong dự án này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện cũng khẳng định, dù sẽ phải nâng cao mực nước, xây dựng quy mô lớn nhưng dự án sẽ chỉ ảnh hưởng tới khoảng 600 nhân khẩu ở 31 xã thuộc địa bàn Yên Bái, Lào Cai. Lý do là mực nước ở các đập ngăn sẽ vẫn thấp hơn mực nước lũ hằng năm nên dự án cơ bản không làm thay đổi lòng sông.

“Siêu dự án đường thủy kết hợp thủy điện sẽ ‘giết chết’ sông Hồng” ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Nếu xây 6 đập thủy điện sẽ giết chết sông Hồng”

Liên quan đến “siêu dự án” nêu trên, tiến sỹ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam cho rằng, nếu xây dựng 6 đập thủy điện liên tiếp sẽ “giết chết” sông Hồng đồng thời sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái sông ngòi ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc.

Theo ông Tứ, những năm qua, chỗ nào có thể làm thuỷ điện thì đều làm hết rồi, sông suối cũng bị băm nát cả rồi. Rõ nhất là 3 con sông lớn ở phía Bắc như sông Đà, sông Thao, sông Lô - Gâm đều không còn nguyên vẹn.

“Trong việc này, chúng ta không thể đánh đổi 228 MW điện với việc huỷ hoại sông Hồng, nguồn sinh kế của hàng triệu người được. Tôi không thể hình dung được sẽ như thế nào nếu cả 6 cái đập cùng vận hành một lúc,” ông Tứ trăn trở.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sông Hồng có tiềm năng thuỷ điện lớn nhất trong các hệ thống sông, trong đó tập trung vào 2 chi lưu lớn là sông Đà và sông Lô - Gâm. Hiện nay, trên sông Đà đã có thuỷ điện Hoà Bình công suất lắp máy 1920 MW, thuỷ điện Sơn La 2400 MW, thuỷ điện Lai Châu 1200 MW, Bản Chát 220 MW, Huội Quảng 520 MW, Nậm Chiến 210 MW; trên sông Lô - Gâm đã có thuỷ điện Tuyên Quang 342 MW...

“Trong bối cảnh không thiếu điện, theo tôi Việt Nam không cần thiết phải phát triển thêm thuỷ điện,” ông Tứ nhấn mạnh.

Trên phương diện là chuyên gia đánh giá tác động môi trường, tiến sỹ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cũng khẳng định: Siêu dự án đường thủy kết hợp thủy điện trên sông Hồng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường.

“Bình thường xây dựng một đập làm thủy điện đã ảnh hưởng môi trường rất lớn rồi, trong khi dự án này đề xuất xây đến 6 thủy điện thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. Do đó, nếu siêu dự án của Xuân Thiện được thực hiện sẽ có những tác động khôn lường đến môi trường,” ông Kinh nói.

Phân tích rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của “siêu dự án,” ông Kinh cho rằng, xây dựng đập dâng nước chắn sông Hồng để làm thủy điện sẽ làm thay đổi toàn bộ mực nước vùng hạ lưu nói chung và hạ du nói riêng. Việc thay đổi dòng chảy này sẽ ảnh hưởng nguồn nước phục vụ thủy lợi, nuôi trồng thủy sản.

“Tuy nhiên, ảnh hưởng đến mức độ nào thì cần phải xem xét chi tiết dự án cụ thể xem họ làm ra sao, thay đổi gì trên dòng sông, ngăn đập nước lên cao bao nhiêu, có hồ hay không có hồ, quy trình vận hành xả nước…,” ông Kinh chia sẻ.

Ông Kinh cũng lưu ý, siêu dự án nảy tuy không trực tiếp gây ra ô nhiễm trên dòng sông nhưng nếu xây hồ thủy điện, nếu xảy ra ô nhiễm lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến dòng sông. Mặt khác, khi ngăn đập làm thủy điện sẽ khiến mực nước giảm khu vực hạ lưu khiến khả năng tự làm sạch dòng sông sẽ giảm điều này dẫn đến ô nhiễm, nhất là trong bối cảnh mực nước sông đàng giảm.

Ở một góc độ khác, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cũng tỏ ra bất ngờ khi có ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng. Theo bà Khanh, việc xây dựng 6 nhà máy thủy điện trên sông Hồng không có trong trong quy hoạch điện 7 (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020).

Theo bà Khanh, một dự án nhà máy thủy điện không đưa vào dự án quy hoạch điện lực quốc gia phải thận trọng và tuân thủ theo quy hoạch và có đánh giá tác động vùng hạ lưu các dòng sông có nhà máy thủy điện. Điều đáng lưu ý là, hiện Việt Nam đang đi đầu trong việc đầu tranh không xây dựng nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, vì thế nếu cho phép xây nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Hồng tức đi ngược lại cái mình đang đấu tranh.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện mô hình giao thông - phát điện nhưng phải xem xét điều kiện cụ thể.

Theo ông Niên, trong điều kiện của Việt Nam, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc xây dựng 6 con đập bởi lâu nay quy hoạch thuỷ lợi khu vực từ Phú Thọ trở lên còn chưa được quan tâm đúng mức. “Đây đều là những thuỷ điện nhỏ, lợi ích mang lại không nhiều trong khi mất đất, mất rừng rất lớn,” ông Niên nhìn nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục