Vào ngày 26/5, hiện tượng nguyệt thực toàn phần trùng với siêu Trăng lần đầu tiên xuất hiện trong hơn hai năm qua sẽ tạo nên một màn trình diễn tuyệt đẹp của vũ trụ.
Hiện tượng “Siêu Trăng máu” sẽ xuất hiện vào ngày 26/5 (sáng 25/5 theo giờ Việt Nam) với tầm nhìn đẹp nhất ở khu vực vành đai Thái Bình Dương cũng như nửa phía Tây của Bắc Mỹ, phía dưới Nam Mỹ và phía Đông châu Á.
Nguyệt thực toàn phần sẽ kéo dài khoảng 15 phút khi Trái Đất đi qua khu vực giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Nhưng toàn bộ hiện tượng “siêu Trăng máu” có thể sẽ kéo dài đến 5 giờ đồng hồ, khi bóng của Trái Đất dần dần bao phủ Mặt Trăng, sau đó giảm dần.
Mặt Trăng sẽ có màu đỏ cam khi hoàng hôn và bình minh, bởi lúc đó ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất. Nó di chuyển qua bầu khí quyển của Trái Đất dễ dàng và chiếu lên bề mặt của Mặt Trăng bị che khuất.
[Siêu Trăng máu - bữa tiệc thiên văn kỳ thú một lần trong một thập kỷ]
Theo ông Noah Petro, nhà khoa học trong dự án tàu quỹ đạo Mặt Trăng của NASA cho biết, Hawaii, California, Tây Bắc Thái Bình Dương, New Zealand và Australia sẽ có tầm nhìn tốt nhất để quan sát hiện tượng thiên văn có một không hai này.
Ông Petro nói thêm, các kính thiên văn được đặt trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii sẽ theo dõi quỹ đạo Mặt Trăng. Theo ông, người dân ở châu Âu, châu Phi và phía Tây châu Á khó có thể quan sát hiện tượng này. Tuy nhiên, mọi người ở khắp nơi vẫn có thể đắm mình trong ánh trăng sáng hơn bình thường, khi thời tiết cho phép.
Mặt Trăng vào ngày này dự kiến sẽ có hình ảnh lớn nhất (siêu trăng), bởi nó ở vị trí gần với Trái Đất nhất, cách chúng ta hơn 357.400km.
Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2022. Lần gần đây nhất là tháng 1/2019./.