Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 17/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết quốc gia này sẽ khó có thể có thặng dư ngân sách trong tài khóa 2020.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg News, ông Lý Hiển Long thừa nhận thậm chí việc đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách tài khóa 2020 cũng rất khó thực hiện, đồng thời dự báo sẽ mất thêm nhiều thời gian để khôi phục ngân sách về trạng thái cân bằng.
Điều này chủ yếu là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phủ bóng nên kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Singapore nói riêng.
Trong năm 2020, Singapore đã chi 52 tỷ USD từ nguồn dự trữ quốc gia để đối phó với tác động từ COVID-19. Singapore sẽ tiếp tục phải tung ra các gói kích thích kinh tế và xử lý vấn đề sức khỏe cộng đồng trong ngắn và trung hạn.
Trong khi đó, một số lĩnh vực của nền kinh tế - như hàng không, du lịch và giải trí - đang trong tình trạng tạm ngừng hoạt động.
[Doanh nghiệp vừa, nhỏ Singapore kém lạc quan về viễn cảnh kinh doanh]
Hồi tháng trước, Bộ Công Thương Singapore thông báo kinh tế Singapore có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn sau khi các biện pháp “ngắt mạch” để ngăn chặn đại dịch COVID-19 được nới lỏng, với mức tăng trưởng GDP ước tính lần đầu trong quý 3/2020 giảm 7,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này được coi là sự cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng âm13,3% trong quý 2/2020 (so với cùng kỳ năm ngoái) và khá sát so với mức dự báo âm 7,6% mà Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đưa ra tháng trước sau cuộc khảo sát với các nhà kinh tế trong lĩnh vực tư nhân.
Kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý 2/2020 sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Bộ Công thương Singapore dự báo, tăng trưởng cả năm 2020 của Singapore sẽ ở mức từ âm 7,0% tới âm 5,0%.
Tỷ lệ thất nghiệp của "Đảo quốc sư tử" đã lên tới 3,4% trong tháng 8 vừa qua, vượt mức kỷ lục 3,3% ghi nhận hồi tháng 9/2009 khi diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu./.