Singapore đứng đầu ASEAN về thu hút đầu tư của 4 cường quốc kinh tế

Theo Thời báo Kinh tế Singapore, Đảo quốc Sư tử vẫn đứng đầu ASEAN về thu hút đầu tư từ bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Một góc Singapore. (Nguồn: AFP)

Theo Thời báo Kinh tế Singapore số ra mới đây, Đảo quốc Sư tử vẫn đứng đầu các quốc gia trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về thu hút đầu tư từ bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.

Báo cáo mới nhất ​do Viện Kế toán Vương quốc Anh và xứ Wales ICAEW công bố cho thấy, hơn 50% các khoản đầu tư nước ngoài xuất phát từ bốn nền kinh tế kể trên có điểm đến là Singapore; trong đó Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất với 97% các khoản đầu tư của nước này vào ASEAN là ở Đảo quốc Sư tử.

Đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Doanh nghiệp (CEBR) - đối tác của ICAEW - ​về các nền kinh tế Đông Nam Á theo quý, với trọng tâm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cho thấy phương thức đầu tư của Trung Quốc dường như khác với ba cường quốc còn lại.

Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phân bổ một lượng vốn đầu tư đáng kể vào Myanmar, Lào và Campuchia với tỷ lệ tương ứng là 11%, 7% và 8%.

Trong khi đó, mỗi quốc gia trong ba "gã khổng lồ" còn lại có ​chưa đến 0,1% các khoản đầu tư tại các thị trường mới nổi. Điều này giúp Trung Quốc thu hút nguồn tài nguyên và tiếp cận được các tiềm năng về thương mại và vận chuyển hàng hải phía Tây, thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào đường biển phía Đông.

Báo cáo cũng lưu ý rằng việc cạnh tranh nhằm tạo ảnh hưởng trong khu vực giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn sẽ có lợi cho ASEAN trong việc khơi thông nguồn vốn Trung Quốc dưới hình thức Quỹ Hợp tác Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CAF) và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã cam kết cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư 110 tỷ USD vào các dự án hạ tầng châu Á...

Cố vấn kinh tế của ICAEW kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Doanh nghiệp (CEBR)-Scott Corfe, chia sẻ, ASEAN đang chứng minh rằng thay vì cạnh tranh lẫn nhau, các nền kinh tế có cơ cấu tương đồng có thể bù đắp lẫn nhau, hình thành nên các mạng lưới xuyên quốc gia.

Mỗi nước có thể tập trung chuyên môn hóa đến mức tối đa, xây dựng các chuỗi cung ứng có phạm vi rộng khắp toàn khu vực Đông Á - và như vậy, các hoạt động khai thác, chế biến nguyên vật liệu, sản xuất phụ tùng, lắp ráp đều sẽ diễn ra ở những địa điểm khác nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc các lợi ích tối đa từ thương mại sẽ được hiện thực hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục